Do có một điều khoản trong hợp đồng được quy định không rõ ràng nên các bên có các cách hiểu khác nhau. Vậy phải giải thích điều khoản này như thế nào? – Ly Na (Cà Mau).
>> Trường hợp nào bắt buộc thành lập Ban kiểm soát trong doanh nghiệp?
>> Đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn, bị phạt bao nhiêu?
Không ít trường hợp do ban đầu, các bên không thỏa thuận hoặc xem xét kỹ lưỡng nội dung của hợp đồng mà dẫn đến việc khi sau khi ký kết và bắt đầu thực hiện hợp đồng thì các bên lại có những các hiểu khác nhau về các điều khoản hợp đồng. Điều này có thể gây ra những mâu thuẫn giữa hai bên và thậm chí là phát sinh thành tranh chấp.
Theo đó, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định về việc giải thích hợp đồng khi có điều khoản không rõ ràng, gây ra nhiều cách hiểu như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 404 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng có điều khoản không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì các bên trong hợp đồng thực hiện việc giải thích hợp đồng như sau:
- Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng.
- Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp đồng.
- Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.
- Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng.
- Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng.
- Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia.
Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành (đang có hiệu lực) |
Điều khoản hợp đồng có nhiều cách hiểu thì giải thích theo hướng nào? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Tại Điều 405 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng theo mẫu như sau:
“Điều 405. Hợp đồng theo mẫu
1. Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra.
Hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng.
Trình tự, thể thức công khai hợp đồng theo mẫu thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.
3. Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Như vậy, điều khoản của hợp đồng mẫu không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng mẫu sẽ phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.
Theo quy định tại Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015, các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.
Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:
- Đối tượng của hợp đồng.
- Số lượng, chất lượng.
- Giá, phương thức thanh toán.
- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng.
- Quyền, nghĩa vụ của các bên.
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
- Phương thức giải quyết tranh chấp.