Trường hợp công ty tôi chậm nộp Báo cáo tài chính; vậy công ty có bị xử phạt hay không? Mức phạt là bao nhiêu (nếu có)? – Hà Lan (Thừa Thiên Huế).
>> Công ty sử dụng nhiều lao động nữ muốn được giảm thuế TNDN thì phải thỏa điều kiện nào?
>> Bán hàng trên Shopee có phải đóng thuế thu nhập cá nhân?
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ đề cập tới đối tượng có trách nhiệm lập Báo cáo tài chính, thời hạn nộp và mức xử phạt đối với trường hợp công ty vi phạm thời hạn nộp Báo cáo tài chính. Cụ thể như sau:
Tại Điều 99 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định đối tượng lập Báo cáo tài chính như sau:
(i) Đối tượng lập Báo cáo tài chính năm
Hệ thống Báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế. Báo cáo tài chính năm phải lập theo dạng đầy đủ.
(ii) Đối tượng lập Báo cáo tài chính giữa niên độ
Đối tượng lập Báo cáo tài chính giữa niên độ (Báo cáo tài chính quý và Báo cáo tài chính bán niên):
- Doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối, đơn vị có lợi ích công chúng phải lập Báo cáo tài chính giữa niên độ.
- Các doanh nghiệp khác không thuộc doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối, đơn vị có lợi ích công chúng, phải lập Báo cáo tài chính giữa niên độ được khuyến khích lập Báo cáo tài chính giữa niên độ (nhưng không bắt buộc).
- Báo cáo tài chính giữa niên độ được lập dưới dạng đầy đủ hoặc tóm lược. Chủ sở hữu đơn vị quyết định việc lựa chọn dạng đầy đủ hoặc tóm lược đối với Báo cáo tài chính giữa niên độ của đơn vị mình nếu không trái với quy định của pháp luật mà đơn vị thuộc đối tượng bị điều chỉnh.
(iii) Doanh nghiệp cấp trên có các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập Báo cáo tài chính của riêng đơn vị mình và Báo cáo tài chính tổng hợp. Báo cáo tài chính tổng hợp được lập trên cơ sở đã bao gồm số liệu của toàn bộ các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân và đảm bảo đã loại trừ tất cả số liệu phát sinh từ các giao dịch nội bộ giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới, giữa các đơn vị cấp dưới với nhau.
Các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập Báo cáo tài chính của mình phù hợp với kỳ báo cáo của đơn vị cấp trên để phục vụ cho việc tổng hợp Báo cáo tài chính của đơn vị cấp trên và kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước.
(iv) Việc lập và trình bày Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp ngành đặc thủ tuân thủ theo quy định tại chế độ kế toán do Bộ Tài chính ban hành hoặc chấp thuận cho ngành ban hành.
(v) Việc lập, trình bày và công khai Báo cáo tài chính hợp nhất năm và Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ thực hiện theo quy định của pháp luật về Báo cáo tài chính hợp nhất.
(vi) Việc ký Báo cáo tài chính phải thực hiện theo Luật Kế toán 2015. Đối với đơn vị không tự lập Báo cáo tài chính mà thuê dịch vụ kế toán lập Báo cáo tài chính, người hành nghề thuộc các đơn vị dịch vụ kế toán phải ký và ghi rõ Số chứng chỉ hành nghề, tên và địa chỉ Đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán. Người hành nghề cá nhân phải ghi rõ Số chứng chỉ hành nghề.
Danh sách những Thông tư hướng dẫn kế toán đang còn hiệu lực |
Chậm nộp báo cáo tài chính, công ty bị xử phạt như thế nào?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Tại điểm a khoản 2 Điều 109 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định thời hạn nộp Báo cáo tài chính của doanh nghiệp như sau:
Điều 109. Thời hạn nộp Báo cáo tài chính
…
2. Đối với các loại doanh nghiệp khác
a) Đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày;
b) Đơn vị kế toán trực thuộc trung ương nộp Báo cáo tài chính năm cho đơn vị kế toán cấp trên thời hạn do đơn vị kế toán cấp trên theo quy định.
Theo quy định trên, tùy thuộc vào loại hình công ty của bạn mà thời hạn nộp Báo cáo tài chính (sau đây gọi tắt là BCTC) khác nhau như sau:
- Đối với doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh: thời hạn nộp BCTC chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
- Đối với các loại hình doanh nghiệp khác (trừ doanh nghiệp nhà nước): thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
Tại điểm a khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về nộp Báo cáo tài chính như sau:
Điều 12. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về nộp và công khai báo cáo tài chính
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định;
...
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
....
c) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định;
Như vậy, nếu công ty bạn chậm nộp Báo cáo tài chính thì sẽ bị xử phạt hành vi vi phạm hành chính theo các mức phạt tiền sau đây:
- Nộp Báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
- Nộp Báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.