PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP cho tôi hỏi: Vào tháng 02/2022, tôi ký hợp đồng thử việc với Công ty X trong thời gian 02 tháng. Sau khi hết thời gian thử việc, tôi vẫn tiếp tục làm việc tại đây và được nhận xét là nhân viên giỏi trong danh sách đánh giá thử việc của cấp trên quản lý trực tiếp tôi. Tuy nhiên, bên phía công ty vẫn không ký hợp đồng lao động chính thức với tôi. Vậy trong tình huống này tôi cần phải làm gì? Mong được hỗ trợ
>> Đi làm lại ở công ty cũ thì có phải thử việc không?
>> Người đang hưởng lương hưu có được nhận tiền hỗ trợ thuê trọ không?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo khoản 1 Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 quy định khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
- Nếu thử việc đạt yêu cầu thì NSDLĐ tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc;
- Nếu thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
Do đó, nếu có cơ sở chứng minh được Anh/Chị đạt được yêu cầu thử việc (thông qua danh sách đánh giá xếp loại nhân viên thử việc của người quản lý trực tiếp) thì Công ty phải giao kết HĐLĐ với Anh/Chị (trường hợp giao kết hợp đồng thử việc).
Trong trường hợp Công ty vẫn không ký HĐLĐ với Anh/Chị thì có thể thực hiện 03 cách sau để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình:
Cách 1: Khiếu nại
Theo Điều 5, Điều 15 và Điều 19 Nghị định 24/2018/NĐ-CP người lao động thực hiện khiếu nại theo trình tự, thủ tục như sau:
- Khiếu nại lần đầu: Tới người sử dụng lao động.
+ Thời gian thụ lý khiếu nại: 07 ngày làm việc.
+ Thời hạn giải quyết: Không quá 30 ngày hoặc 45 ngày (vụ việc phức tạp), kể từ ngày thụ lý.
Nếu quá thời hạn trên mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với việc giải quyết của phía công ty, người lao động có thể khiếu nại lần 2 hoặc khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
- Khiếu nại lần hai: Tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi công ty đặt trụ sở chính.
+ Thời hiệu khiếu nại: 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu.
+ Thời hạn thụ lý: 07 ngày làm việc.
+ Thời hạn giải quyết: 45 ngày hoặc 60 ngày (vụ việc phức tạp), kể từ ngày thụ lý.
Nếu không được giải quyết đúng hạn hoặc không đồng ý với việc giải quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, người lao động có thể khởi kiện tới Tòa án.
Cách 2: Tố cáo
Người lao động có thể tố cáo vi phạm của công ty đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo Điều 37 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động có thể gửi đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp với Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kèm theo đó là các bằng chứng vi phạm của công ty.
Thời hạn giải quyết: Không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo (Điều 30 Luật Tố cáo 2018).
Trong quá trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý khiếu nại, tố cáo mà xác minh có hành vi vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, đồng thời còn phải giải quyết quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Cách 3: Khởi kiện
NLĐ có thể khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
Theo điểm d khoản 2 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định nếu NSDLĐ có hành vi không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc thì sẽ bị phạt tiền từ 02 triệu đến 05 triệu đồng (trường hợp NSDLĐ là tổ chức thì mức xử phạt gấp 02 lần theo khoản 2 Điều 6 Nghị định này) và đồng thời buộc NSDLĐ phải giao kết HĐLĐ với NLĐ.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!