Xin phép anh chị, tôi xin có một số thắc một số việc về tính thuế giữa công ty và hộ kinh doanh cá thể như sau: Công ty chúng tôi có bán mặt hàng nông sản thuế xuất là 5%, khi nộp thuế thì không được miễn trừ còn hộ kinh doanh cá thể họ đóng thuế trực tiếp cho phòng thuế thì chỉ có thuế là 1,5%. NHƯ VẬY, TÔI ĐANG THẤY CÔNG TY ĐANG PHẢI CHỊU THUẾ CAO HƠN HỘ KINH DOANH CÁ THỂ, dẫn đến chúng tôi không thể cạnh tranh được với hộ kinh doanh cá thể được. Tôi xin quý anh chị hưởng dẫn cho tôi hiểu được không ạ?
>> Căn cứ pháp lý tính thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần?
>> Hướng dẫn kê khai thuế GTGT đối với đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng
Chào chị,
PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP đã nhận được nội dung đề nghị hỗ trợ từ chị, nên Ban Hỗ trợ có ý kiến trao đổi như sau:
Với thông tin chị cung cấp, Ban Hỗ trợ hiểu rằng chị đang đề cập đến thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi tắt là "thuế GTGT") và sản phẩm của công ty chị thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT là 5%, áp dụng phương pháp tính thuế GTGT là phương pháp khấu trừ; tuy nhiên, mức thuế suất mức thuế suất 1,5% đối với hộ kinh doanh mà chị nêu không chỉ bao gồm thuế suất thuế GTGT (1%) mà còn bao gồm thuế suất thuế nhu nhập cá nhân (0,5%), áp dụng đối với hoạt động phân phối hàng hóa.
Đối với doanh nghiệp:
Trước hết, các hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp kinh doanh có thể bao gồm những hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT và (hoặc) không chịu thuế GTGT; nếu hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp kinh doanh thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì phần thuế mà doanh nghiệp phải nộp theo phương pháp khấu trừ sẽ tính theo công thức:
Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra - Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Trong đó:
- Số thuế GTGT đầu ra (thuế GTGT ghi trên hóa đơn) = Giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra x Thuế suất thuế GTGT
- Thuế GTGT đầu vào bằng tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định).
Theo công thức tính thuế GTGT nêu trên thì thuế suất chỉ là một căn cứ để tính thuế GTGT đầu ra mà không đồng nghĩa rằng công ty chị phải nộp toàn bộ số thuế GTGT đầu ra đó. Sau khi khấu trừ phần thuế GTGT đầu vào, số thuế GTGT thực tế mà công ty chị phải nộp có thể bằng 0 hoặc nhỏ hơn nhiều so với mức thuế GTGT đầu ra.
Ngoài ra, trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp còn được trừ các khoản chi phí hợp lý đối với những chi phí cần thiết trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí mua nguyên vật liệu, chi phí tiền lương, chi trợ cấp … và có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Với mặt hàng nông sản, chị vui lòng lưu ý một số tình huống đặc thù có thể phát sinh như sau:
- Trường hợp công ty chị bán hàng cho doanh nghiệp khác hoặc hợp tác xã thì công ty chị sẽ không phải thực hiện kê khai thuế GTGT, tức công ty không có thuế GTGT đầu ra nên không phải nộp thuế GTGT.
- Trường hợp công ty chị mua nông sản từ các hộ gia đình thì thông thường, bên bán sẽ không cung cấp được hóa đơn GTGT nên công ty chị sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nhưng chi phí mua hàng này vẫn được tính chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong khi đó, đối với hộ kinh doanh, số thuế phải nộp được tính bằng doanh thu nhân với thuế suất.
Tuy nhiên, khác với doanh nghiệp, doanh thu tính thuế của hộ kinh doanh sẽ bao gồm thuế và toàn bộ thu nhập từ các hoạt động của hộ, không phân biệt hoạt động đó có thuộc đối tượng chịu thuế hay không hay loại hàng hóa được bán, dịch vụ được cung ứng.
Khi tính số thuế phải nộp, hộ kinh doanh không được trừ chi phí đầu vào đối với thuế GTGT; riêng thuế thu nhập cá nhân thì hộ kinh doanh cũng không được giảm trừ gia cảnh như người có thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Ví dụ: Sản phẩm gạo thành phẩm có giá tính thuế là 10.000.000 đồng/tấn, chưa bao gồm thuế; thuế GTGT ghi trên hóa đơn mua gạo đầu vào từ doanh nghiệp xay xát gạo là 450.000 đồng/tấn. Đối với doanh nghiệp phân phối sản phẩm này thì áp dụng thuế suất thuế GTGT là 5%. Giả sử toàn bộ số thuế GTGT ghi trên hóa đơn đầu vào đáp ứng điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì số thuế GTGT doanh nghiệp phải nộp được tính theo công thức: Số thuế GTGT doanh nghiệp phải nộp = 10.000.000 x 5% - 450.000 = 50.000 đồng/tấn. Đối với hộ kinh doanh phân phối sản phẩm này, tỷ lệ thuế GTGT áp dụng đối với hoạt động phân phối hàng hóa là 1%. Vì doanh thu tính thuế của hộ bao gồm thuế nên số thuế mà hộ phải nộp trên phần doanh thu từ hoạt động bán sản phẩm này được tính theo công thức: Số thuế GTGT hộ phải nộp = (10.000.000 +10.000.000 x 1%) x 1% = 101.000 đồng |
Như vậy, doanh nghiệp và hộ kinh doanh là hai chủ thể kinh doanh khác nhau, được áp dụng cơ chế và phương pháp tính thuế hoàn toàn khác nhau nên mức thuế suất không quyết định rằng doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế cao hơn hộ kinh doanh.
Điều này được quy định phù hợp với quy mô và hoạt động kinh doanh của từng chủ thể:
- Doanh nghiệp được quyền tự chủ cao trong quá trình kinh doanh, mở rộng quy mô hoạt động, nhân sự; dễ dàng huy động vốn và tạo uy tín cao đối với đối tác; được quy định nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư, ... Vì vậy, doanh nghiệp có nhiều cơ hội thực hiện những giao dịch lớn, giao kết hợp đồng ngoại thương, ...
- Hộ kinh doanh là mô hình kinh doanh ở quy mô hộ gia đình, chỉ được kinh doanh ở một địa điểm duy nhất và sử dụng không quá 09 người lao động. Hộ kinh doanh sẽ khó tạo lòng tin cho khách trong những lần đầu hợp tác; cũng khó đủ khả năng và tiềm lực cho những hợp đồng lớn. Khi sử dụng từ 10 lao động trở lên hoặc muốn mở rộng quy mô kinh doanh sang địa điểm khác, hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Do đó, mức thuế suất nêu trên không làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả hay không phụ thuộc vào kết quả điều hành sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp.
Cảm ơn chị đã sử dụng dịch vụ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP và kính chúc chị luôn thật nhiều sức khỏe.