Người lao động khi nghỉ việc phải tuân thủ thời hạn báo trước, vậy thời hạn báo trước này được tính như thế nào theo quy định pháp luật hiện hành? – Anh Khôi (Khánh Hòa).
>> Chồng chết do tai nạn lao động, vợ được hưởng chế độ gì không?
>> Quá hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản, người lao động phải làm gì?
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.
- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
(Căn cứ khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019).
Lưu ý: Người lao động đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 thì không cần báo trước.
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ ngày 20/6/2023) |
Cách tính số ngày báo trước cho công ty khi xin nghỉ việc? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo quy định nêu trên, việc tính số ngày người lao động phải báo trước cho công ty khi xin nghỉ việc được thực hiện như sau:
(i) Xác định thời gian báo trước được tính theo ngày bình thường hay ngày làm việc
- Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng:
Thời gian báo trước sẽ được tính theo ngày bình thường, chứ không phải theo ngày làm việc, tức là thời hạn báo trước sẽ tính cả những ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định pháp luật.
- Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng:
Thời gian báo trước sẽ chỉ được tính theo ngày làm việc của người lao động.
(ii) Tính ngày báo trước kể từ thời điểm bắt đầu nghỉ việc
Người lao động sẽ căn cứ vào ngày muốn bắt đầu nghỉ việc (chọn làm mốc) rồi đếm lùi trở về trước số ngày tương ứng phải báo trước thì xác định được ngày cụ thể cần gửi thông báo nghỉ việc cho công ty.
Ví dụ:
- Trường hợp 1: Anh A ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công ty X nhưng muốn nghỉ việc kể từ ngày 16/8/2023 thì phải báo trước 45 ngày, chậm nhất là ngày 1/7/2023.
- Trường hợp 2: Anh B ký hợp đồng lao động với thời hạn 18 tháng với công ty Y nhưng muốn nghỉ việc từ 15/8/2023 thì phải báo trước 30 ngày, chậm nhất là ngày 16/5/2023.
- Trường hợp 3: Chị C ký hợp đồng lao động có thời hạn 6 tháng với công ty Z, nghỉ hằng tuần vào thứ Bảy và Chủ nhật thì khi chị C muốn nghỉ việc từ 15/8/2023 thì phải báo trước 03 ngày làm việc, cụ thể chậm nhất là ngày 10/6/2023 (không tính 2 ngày nghỉ hằng tuần là thứ Bảy ngày 12/8/2023 và Chủ nhật ngày 13/8/2023).
Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp người lao động không tuân thủ thời hạn báo trước khi xin nghỉ việc theo hướng dẫn tại Mục 1 bên trên thì được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.
Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật được quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:
- Không được trợ cấp thôi việc.
- Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
- Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 Bộ luật Lao động 2019.
Trong đó, chi phí đào tạo bao gồm: các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.