Cho tôi hỏi: Trong năm 2023, trường hợp nào được miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm? Hồ sơ, thủ tục đề nghị hưởng miễn trừ thế nào? – Xuân Hồng (Vĩnh Phúc).
>> Quyền và nghĩa vụ của các bên trong vụ việc phòng vệ thương mại năm 2023?
>> Các trường hợp thu hồi Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ năm 2023?
Căn cứ Điều 14 Luật Cạnh tranh 2018, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10, 11 Điều 11, khoản 1, 3, 4 Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018 được miễn trừ có thời hạn nếu có lợi cho người tiêu dùng và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
- Tác động thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
- Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
- Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm.
- Thống nhất các điều kiện thực hiện hợp đồng, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá.
Đối với thỏa thuận lao động, thỏa thuận hợp tác trong các ngành, lĩnh vực đặc thù được thực hiện theo quy định của luật khác thì thực hiện theo quy định của luật đó.
Các trường hợp được miễn trừ với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo khoản 2 Điều 15 Luật Cạnh tranh 2018, hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm bao gồm các giấy tờ sau đây:
- Đơn theo mẫu do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành.
- Dự thảo nội dung thỏa thuận giữa các bên.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương của từng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; bản sao Điều lệ của hiệp hội ngành, nghề đối với trường hợp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm có sự tham gia của hiệp hội ngành, nghề.
- Báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ hoặc báo cáo tài chính từ thời điểm thành lập đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với doanh nghiệp mới thành lập có xác nhận của tổ chức kiểm toán theo quy định của pháp luật.
- Báo cáo giải trình cụ thể việc đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Cạnh tranh 2018 kèm theo chứng cứ để chứng minh.
- Văn bản ủy quyền của các bên tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm cho bên đại diện (nếu có).
Lưu ý: Doanh nghiệp nộp hồ sơ chịu trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ. Tài liệu trong hồ sơ bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt (theo khoản 3 Điều 15 Luật Cạnh tranh 2018).
Nơi nộp hồ sơ: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Cạnh tranh 2018).
Quy trình thụ lý hồ sơ:
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp bằng văn bản các nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung để các bên sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo.
Khi kết thúc thời hạn mà doanh nghiệp không sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung hồ sơ không đầy đủ theo yêu cầu thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trả lại hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ.
- Sau khi nhận được thông báo hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ, doanh nghiệp phải nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Lưu ý: Hồ sơ được thụ lý kể từ thời điểm bên nộp hồ sơ hoàn thành nghĩa vụ nộp phí thẩm định hồ sơ.
>> Xem thêm các bài viết liên quan tại:
>> Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trong năm 2023?
>> Việc xác định thị trường liên quan năm 2023 được quy định thế nào?