Theo quy định thì đoàn viên công đoàn bị xử lý kỷ luật trong những trường hợp nào? Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với đoàn viên vi phạm hiện nay? – Thành An (Quảng Nam).
>> Bị khai trừ khỏi tổ chức công đoàn, đoàn viên có được kết nạp lại không?
>> Cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp bảo hiểm dưới hình thức công ty cổ phần là như thế nào?
Căn cứ Điều 25 Quy định Xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn (ban hành kèm theo Quyết định 5130/QĐ-TLĐ ngày 12/08/2022), các trường hợp đoàn viên công đoàn bị xử lý kỷ luật được quy định như sau:
(i) Đoàn viên bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách khi vi phạm một trong các trường hợp sau:
- Không chấp hành và không thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết, quyết định, quy định, kế hoạch, chương trình công tác... của công đoàn các cấp gây hậu quả ít nghiêm trọng.
- Không dự họp 50% trở lên số kỳ họp công đoàn trong một năm.
- Không đóng đoàn phí liên tục 6 tháng mà không có lý do chính đáng.
(ii) Đoàn viên bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo khi vi phạm một trong các trường hợp sau:
- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách do không chấp hành và không thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết, quyết định, quy định, kế hoạch, chương trình công tác... của công đoàn các cấp gây hậu quả ít nghiêm trọng mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng.
- Không dự họp 70% trở lên số kỳ họp công đoàn trong một năm.
- Không đóng đoàn phí liên tục 9 tháng mà không có lý do chính đáng.
(iii) Đoàn viên bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ khi vi phạm một trong các trường hợp sau:
- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do không chấp hành và không thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết, quyết định, quy định, kế hoạch, chương trình công tác... của công đoàn các cấp gây hậu quả ít nghiêm trọng mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Không dự họp 90% trở lên số kỳ họp công đoàn trong một năm.
- Không đóng đoàn phí liên tục 12 tháng mà không có lý do chính đáng.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Các trường hợp đoàn viên công đoàn bị xử lý kỷ luật? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 13 Quy định Xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn (ban hành kèm theo Quyết định 5130/QĐ-TLĐ năm 2022), trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với đoàn viên vi phạm được quy định như sau:
Bước 1: Hướng dẫn kiểm điểm
- Tổ công đoàn, công đoàn bộ phận hoặc công đoàn cơ sở thành viên hướng dẫn viết kiểm điểm.
- Đoàn viên vi phạm viết kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật.
Bước 2: Tổ chức kiểm điểm và đề nghị xử lý kỷ luật
- Tổ công đoàn, công đoàn bộ phận hoặc công đoàn cơ sở thành viên họp kiểm điểm, đoàn viên vi phạm trình bày kiểm điểm, hội nghị góp ý kiến, kết luận, tiến hành bỏ phiếu đề nghị kỷ luật và báo cáo (kèm theo Tờ trình và hồ sơ) gửi ban thường vụ công đoàn cơ sở xem xét.
- Ủy ban kiểm tra giúp ban thường vụ công đoàn cơ sở nghiên cứu, tham mưu, đề xuất (nơi không có Ủy ban kiểm tra thì đồng chí ủy viên ban chấp hành làm nhiệm vụ kiểm tra tham mưu, đề xuất).
Bước 3: Tiến hành xử lý kỷ luật và lưu hồ sơ
- Ban thường vụ công đoàn cơ sở họp thảo luận xem xét và tiến hành bỏ phiếu kỷ luật.
- Người có thẩm quyền thay mặt công đoàn cơ sở ký ban hành quyết định kỷ luật.
- Lưu hồ sơ kỷ luật tại văn phòng công đoàn cơ sở.
Bước 4: Thi hành kỷ luật
- Tổ chức họp công bố quyết định kỷ luật tại công đoàn nơi có đối tượng vi phạm.
- Đối tượng vi phạm nếu không đồng ý thì có quyền khiếu nại theo quy định.
- Quyết định kỷ luật có hiệu lực sau khi được công bố và được xóa kỷ luật sau 1 năm, tính từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật.
Căn cứ Điều 16 Quy định Xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn (ban hành kèm theo Quyết định 5130/QĐ-TLĐ năm 2022), việc khiếu nại quyết định xử lý kỷ luật được quy định như sau:
- Đoàn viên bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật theo quy định, nhưng khi chưa được tổ chức công đoàn có thẩm quyền giải quyết thì vẫn phải chấp hành nghiêm quyết định kỷ luật đã công bố.
- Khiếu nại thuộc thẩm quyền xử lý kỷ luật của cấp nào thì cấp đó giải quyết lần đầu. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng thuộc thẩm quyền của Đoàn Chủ tịch và Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Trường hợp khiếu nại thuộc thẩm quyền xử lý kỷ luật của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn thì Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng.
- Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định kỷ luật; thời hiệu khiếu nại lần hai là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền, tổ chức công đoàn phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho đoàn viên khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển khiếu nại biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
- Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý; đối với trường hợp phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý.