Các tiêu chí xác định khả năng phân biệt của tên thương mại được quy định như thế nào? Hành vi được xem là xâm phạm quyền đối với tên thương mại là những hành vi nào?
>> Kiểu dáng công nghiệp là gì? Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ khi đáp ứng điều kiện nào?
>> Bí mật kinh doanh được bảo hộ khi đáp ứng những điều kiện nào?
Căn cứ Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, các tiêu chí xác định khả năng phân biệt của tên thương mại bao gồm:
(i) Tên thương mại phải chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng.
(ii) Tên thương mại không được trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
(iii) Tên thương mại không được trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.
Như vậy, tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt khi đáp ứng 03 tiêu chí trên.
Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản sửa đổi, hướng dẫn đang có hiệu lực thi hành |
Các tiêu chí xác định khả năng phân biệt của tên thương mại là gì
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
Căn cứ Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 50 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15), các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu trí tuệ bao gồm:
(i) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ.
(ii) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ.
(iii) Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;
(iv) Chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng với dụng ý xấu, lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng nhằm thu lợi bất chính.
Lưu ý: Chỉ dẫn thương mại nêu trên là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hoá, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hoá, nhãn hàng hoá.
Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại nêu trên bao gồm các hành vi gắn chỉ dẫn thương mại đó lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo; bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hoá có gắn chỉ dẫn thương mại đó.
Trên đây là thông tin giải đáp về “Các tiêu chí xác định khả năng phân biệt của tên thương mại được quy định như thế nào? Hành vi được xem là xâm phạm quyền đối với tên thương mại là những hành vi nào?”.