Chào PLKN, công ty e có một chị bị sẩy thai, bây giờ e phải báo giảm theo chế độ ốm đau hay chế độ thai sản? Mong PLKN hồi đáp
>> Có phải đóng đủ 6 tháng bảo hiểm mới được hưởng chế độ sẩy thai?
>> Báo giảm thai sản theo ngày xin nghỉ hay theo ngày sinh con?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì
“Điều 33. Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
1. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.”
Như vậy, trường hợp người lao động bị sẩy thai sẽ hưởng chế độ thai sản khi sẩy thai. Khi sẩy thai là một trong các trường hợp của chế độ thai sản chứ không phải chế độ ốm đau. Do đó, khi kê khai Danh sách Đề nghị giải quyết hưởng chế độ thai sản (Mẫu 01B-SHB ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019), chị chọn kê khai chế độ thai sản, cụ thể là chế độ khi sẩy thai chứ không chọn kê khai vào chế độ ốm đau.
Anh/chị có tham khảo chi tiết: Hồ sơ giải quyết chế độ thai sản.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!