Thuế là một trong những khoản thu bắt buộc, không bồi hoàn trực tiếp của Nhà nước đối với các tổ chức và các cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước vì lợi ích chung.
>> 05 Cách tra cứu mã số thuế cá nhân năm 2022
>> Hướng dẫn khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức 10%
Cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm nào trên thế giới thống nhất về thuế. Đứng ở các góc độ khác nhau của các nhà kinh tế khác nhau lại có một khái niệm khác nhau về thuế.
Một trong những khái niệm phổ biến về thuế đó là “Thuế là một khoản thu bắt buộc, không bồi hoàn trực tiếp của Nhà nước đối với các tổ chức và các cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước vì lợi ích chung”.
Ngoài ra, thuế là một khoản phí tài chính bắt buộc hoặc một số loại thuế khác áp dụng cho người nộp thuế (một cá nhân hoặc pháp nhân) phải trả cho một tổ chức chính phủ để tài trợ cho các khoản chi tiêu công khác nhau.
Các khoản thu thuế được tập trung vào Ngân sách nhà nước là những khoản thu nhập của nhà nước được hình thành trong quá trình nhà nước tham gia phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị.
- Thuế là tiền đề cần thiết để duy trì quyền lực chính trị và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước.
Sự ra đời của thuế gắn liền với sự ra đời của nhà nước. Nếu không có thuế, nhà nước không có đủ điều kiện tiềm lực kinh tế để duy trì hoạt động cũng như thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Nguồn thu ngân sách Nhà nước có tới 90% được tạo lập từ thuế. Chỉ khi cho thuế tính quyền lực thì thuế mới đảm bảo thực hiện thu thuế một cách hiệu quả nhất, tạo lập được ngân sách quốc gia.
- Thuế dựa vào thực trạng của nền kinh tế (GDP, chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất, thu nhập, lãi suất,...).
- Thuế được thực hiện theo nguyên tắc hoàn trả không trực tiếp là chủ yếu:
Tính không đối giá của thuế thể hiện ở điểm: bất kỳ chủ thể nào miễn đủ điều kiện nộp thuế theo quy định thì dù đã nhận được một khoản lợi ích nào hay chưa thì đều phải nộp thuế.
Các chủ thể nộp thuế về ngân sách nhà nước, nhà nước lấy ngân sách này chi cho việc xây dựng trường học, bệnh viện, cầu đường,… và mọi người dân được hưởng lợi ích từ đó, trong đó có chủ thể nộp thuế. Vì vậy thuế thường không hoàn trả trực tiếp.
- Thuế mang tính vĩnh viễn
Đặc tính này cho thấy nộp thuế cho Nhà nước không giống như hình thức cho Nhà nước vay tiền nên không thể đòi hỏi Nhà nước phải hoàn trả, bởi vì nguồn thu từ thuế được dùng đáp ứng nhu cầu chi tiêu công mà phần lớn khoản chi này mang tính cấp phát nên nộp thuế cho Nhà nước là san sẻ một phần gánh nặng các khoản chi của Nhà nước.
Thuế có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội. Cụ thể vai trò của thuế đối với sự phát triển kinh tế xã hội được thể hiện như sau:
- Thuế giúp ổn định thị trường, điều tiết nền kinh tế.
Thuế tham gia điều tiết nền kinh tế gồm hai mặt: Kích thích và hạn chế. Thông qua thuế, nhà nước đã linh hoạt điều chính các chính sách thuế trong từng thời kỳ nhất định, nhằm tác động vào cung-cầu giúp điều chỉnh chu kỳ kinh tế – một đặc trưng vốn có của nền kinh tế thị trường.
- Thuế tạo nguồn thu cho Ngân sách nhà nước.
Là khoản thu quan trọng nhất, mang tính chất ổn định lâu dài và khi nền kinh tế càng phát triển thì khoản thu này càng tang. Bên cạnh đó nguồn thu từ thuế vào ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng để đáp ứng nhu cầu chi tiêu công của Nhà nước, không được sử dụng cho mục tiêu cá nhân.
Nguồn thu từ thuế một phần được sử dụng cho hoạt động của bộ máy Nhà nước, đại bộ phận còn lại được chi cho đầu tư phát triển, cho văn hóa, thông tin, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, tài trợ xã hội, nghiên cứu khoa học…Cụ thể các cá nhân hay các công ty khi có thu nhập rồi sẽ nộp một phần thuế vào ngân sách nhà nước. Khi các đường xá, câu cống cần phải sửa chữa thì sẽ lấy số tiền ấy để sửa,…
- Đảm bảo cơ cấu kinh tế, giúp phát triển theo đúng định hướng của nhà nước ổn định và lâu dài.
Góp phần thực hiện chức năng kiểm kê, kiểm soát, quản lý hướng dẫn và khuyến khích phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông đối với tất cả các thành phần kinh tế theo hướng phát triển của kế hoạch nhà nước, góp phần tích cực vào việc điều chỉnh các mặt mất cân đối lớn trong nền kinh tế quốc dân.
Bên cạnh đó thuế còn giúp đảm bảo công bằng xã hội. Thông qua thuế, nhà nước sẽ điều tiết phần chênh lệch thu nhập giữa người giàu và người nghèo, bằng việc việc trợ cấp hoặc cung cấp hàng hoá công cộng.