Không ít trường hợp người khai hải quan bị nhầm lẫn, sai sót khi điền thông tin trên tờ khai hải quan hoặc có nhu cầu muốn thay đổi cảng xếp hàng, cửa khẩu xuất,… Lúc này người khai hải quan cần tiến hành khai bổ sung hồ sơ hải quan. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cụ thể các trường hợp phải khai bổ sung và thủ tục khai bổ sung đối với người khai hải quan, người nộp thuế.
>> Hướng dẫn thủ tục đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế online
>> Hướng dẫn thủ tục đăng ký thuế lần đầu online
Căn cứ Khoản 9 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC) quy định về các trường hợp khai bổ sung hồ sơ hải quan như sau:
Trường hợp 1: Khai bổ sung trong thông quan:
- Người khai hải quan, người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ hải quan trước thời điểm cơ quan hải quan thông báo kết quả phân luồng tờ khai hải quan cho người khai hải quan;
- Người khai hải quan, người nộp thuế phát hiện sai sót trong việc khai hải quan sau thời điểm cơ quan hải quan thông báo kết quả phân luồng nhưng trước khi thông quan thì được khai bổ sung hồ sơ hải quan;
- Người khai hải quan, người nộp thuế thực hiện khai bổ sung hồ sơ hải quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan khi cơ quan hải quan phát hiện sai sót, không phù hợp giữa thực tế hàng hóa, hồ sơ hải quan với thông tin khai báo trong quá trình kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa.
Trường hợp 2: Khai bổ sung sau khi hàng hóa đã được thông quan
Trừ nội dung khai bổ sung liên quan đến giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, thực vật, an toàn thực phẩm, người khai hải quan thực hiện khai bổ sung sau thông quan trong các trường hợp sau:
- Người khai hải quan, người nộp thuế xác định có sai sót trong việc khai hải quan thì được khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra;
- Quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước khi cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra, người khai hải quan, người nộp thuế mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung.
Lưu ý: Đối với các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan không được khai bổ sung quy định tại mục 3 Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 39/2018/TT-BTC (thay thế Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC), người khai hải quan không được khai bổ sung hồ sơ hải quan trong trường hợp phát hiện sai sót đối với các chỉ tiêu này.
Người khai hải quan có thể chọn một trong hai phương thức khai bổ sung sau:
- Trường hợp khai bổ sung các chỉ tiêu thông tin của tờ khai hải quan điện tử theo:
+ Mẫu số 01: Tờ khai điện tử nhập khẩu (Khi thực hiện đăng ký trước thông tin hàng hóa nhập khẩu);
+ Mẫu số 02: Tờ khai điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu (Áp dụng cho trường hợp xuất khẩu);
+ Mẫu số 04: Tờ khai bổ sung sau thông quan (Khi thực hiện đăng ký thông tin tờ khai bổ sung sau thông quan);
+ Mẫu số 05: Khai bổ sung về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Các mẫu này được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 39/2018/TT-BTC. Đồng thời, người khai hải quan còn phải nộp kèm theo các chứng từ liên quan đến việc khai bổ sung qua hệ thống.
- Trường hợp khai bổ sung trên tờ khai hải quan giấy:
Người khai hải quan nộp 02 bản chính văn bản đề nghị khai bổ sung theo mẫu số 03/KBS/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC và 01 bản chụp các chứng từ liên quan đến việc khai bổ sung.
Lưu ý: Đối với trường hợp người khai hải quan, người nộp thuế thực hiện khai bổ sung theo yêu cầu của cơ quan hải quan thì phải thực hiện khai bổ sung trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan hải quan.
Khai bổ sung trong một số trường hợp cụ thể:
- Trường hợp hàng hóa chưa được thông quan nếu thay đổi cảng xếp hàng, cửa khẩu xuất, phương tiện vận chuyển làm thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa không thực hiện khai bổ sung mà phải hủy tờ khai hải quan;
- Trường hợp hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan, hàng hóa đã đưa vào khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu, nếu người khai hải quan có yêu cầu thay đổi cửa khẩu xuất; cảng xếp hàng, đồng thời thay đổi tên phương tiện vận chuyển thì phải nộp văn bản cho phép thay đổi cửa khẩu xuất của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản thông báo thay đổi cảng xếp hàng theo mẫu số 32/TĐCX/GSQL cho cơ quan hải quan tại cửa khẩu cảng xếp hàng, cửa khẩu xuất mới. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nộp văn bản thông báo, người khai hải quan phải thực hiện khai bổ sung thông tin tờ khai hải quan.
- Trường hợp chủ phương tiện vận tải xuất cảnh thay đổi tên phương tiện vận tải nhưng không thay đổi cảng xếp hàng, cửa khẩu xuất thì trước khi xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải xuất cảnh phải thông báo bằng văn bản theo mẫu số 33/TĐPTVT/GSQL cho cơ quan hải quan trong đó nêu rõ hàng hóa thuộc các tờ khai hải quan xuất khẩu sẽ được thay đổi tên phương tiện vận tải xuất cảnh tương ứng;
- Trường hợp hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan nhưng hàng hóa chưa đưa vào khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu, nếu thay đổi cảng xếp hàng, cửa khẩu xuất, người khai hải quan nộp văn bản thông báo thay đổi cảng xếp hàng, cửa khẩu xuất theo mẫu số 34/TĐCXCK/GSQL cho cơ quan hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đến đã khai báo. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nộp văn bản thông báo, người khai hải quan phải thực hiện khai bổ sung thông tin tờ khai;
- Khi đưa hàng qua khu vực giám sát, nếu có sự không chính xác về số hiệu container so với nội dung khai trên tờ khai hải quan thì người khai hải quan xuất trình chứng từ giao nhận hàng hóa nhập khẩu hoặc nộp Bản kê số hiệu container xuất khẩu theo mẫu số 31/BKCT/GSQL kèm chứng từ của hãng vận chuyển cấp về việc thay đổi số hiệu container cho công chức hải quan giám sát tại cửa khẩu.
- Tờ khai hải quan xuất khẩu, nhập khẩu có phương thức vận chuyển là hàng rời, hàng xá (trừ phương thức vận chuyển qua đường hàng không) đã đủ điều kiện qua khu vực giám sát, trường hợp có sự sai lệch về số lượng, trọng lượng so với khai báo trên tờ khai hải quan thì người khai hải quan xuất trình Phiếu cân hàng của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng hoặc Biên bản nhận hàng có đại diện người bán ký hoặc Biên bản ghi nhận tại hiện trường giám định về số lượng, trọng lượng cho công chức hải quan giám sát:
+ Trường hợp hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép: chỉ cho phép hàng hóa qua khu vực giám sát trên Hệ thống đúng số lượng, trọng lượng hàng hóa trên giấy phép, bao gồm cả số lượng, trọng lượng hàng hóa có nằm trong dung sai trên giấy phép (nếu có);
+ Trường hợp hàng hóa không thuộc diện phải có giấy phép và là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thỏa thuận mua, bán nguyên lô, nguyên tàu và có thỏa thuận về dung sai về số lượng và cấp độ thương mại của hàng hóa (cùng một loại hàng hóa nhưng có kích cỡ khác nhau dẫn đến giá trị khác nhau): người khai hải quan nộp 01 bản chụp Hợp đồng mua bán hàng hóa có thỏa thuận về việc chấp nhận sự sai lệch về số lượng, chủng loại và cách thức quyết toán số tiền thanh toán theo thực tế tương ứng, hình thức thanh toán và khai bổ sung tại Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 9 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hàng hóa được đưa toàn bộ qua khu vực giám sát hải quan;
+ Trường hợp lượng hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu có sai lệch so với khai báo trên tờ khai hải quan, kết quả kiểm tra chuyên ngành (trừ trường hợp nêu bên trên), người khai hải quan có trách nhiệm khai bổ sung tại Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai; trường hợp không khai bổ sung thì lượng hàng thừa so với khai hải quan không được đưa qua khu vực giám sát.
Lưu ý: Các mẫu khai bổ sung trong một số trường hợp cụ thể nêu trên được quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC.
Trên đây là quy định về Hướng dẫn khai bổ sung hồ sơ hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý: