Ngày 28/6/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 43/2024/TT-BTC. Theo đó, giảm 10% phí trong công tác an toàn thực phẩm từ ngày 01/7 đến hết ngày 31/12/2024.
>> Mức lương tối thiểu tháng với người lao động làm việc tại TP. Hồ Chí Minh từ 01/7/2024
>> Thủ tục đăng ký xe lần đầu từ ngày 01/8/2024: Người dân và doanh nghiệp cần biết
1. Giảm 10% phí trong công tác an toàn thực phẩm từ ngày 01/7 đến hết ngày 31/12/2024
Căn cứ STT25 khoản 1 Điều 1 Thông tư 43/2024/TT-BTC, từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024, phí trong công tác an toàn thực phẩm bằng 90% mức thu phí quy định tại Biểu phí trong công tác an toàn thực phẩm ban hành kèm theo Thông tư 67/2021/TT-BTC ngày 05/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn thực phẩm.
File word biểu phí trong công tác an toàn thực phẩm từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024 |
Giảm 10% phí trong công tác an toàn thực phẩm từ ngày 01/7 đến hết ngày 31/12/2024
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
2. Người nộp phí trong công tác an toàn thực phẩm
Căn cứ Điều 2 Thông tư 67/2021/TT-BTC, người nộp phí trong công tác an toàn thực phẩm bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định cấp phép lưu hành, nhập khẩu, xác nhận, công bố trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; thẩm định cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu; thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thẩm định nội dung kịch bản phim, chương trình trên băng, đĩa, phần mềm, trên các vật liệu khác và tài liệu trong quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thuộc lĩnh vực y tế.
- Tổ chức chứng nhận hợp quy, cơ quan, tổ chức được chỉ định kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, cơ sở kiểm nghiệm khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định điều kiện cơ sở kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy và kiểm tra nhà nước về thực phẩm.
3. Các nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm
Căn cứ Điều 3 Luật An toàn thực phẩm 2010, nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm bao gồm:
- Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.
- Quản lý an toàn thực phẩm phải trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng.
- Quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm.
- Quản lý an toàn thực phẩm phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành.
- Quản lý an toàn thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 6. Xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm - Luật An toàn thực phẩm 2010 1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. 2. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật này hoặc các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 3. Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật. 4. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định tại Điều này. |