Theo quy định của Thông tư 19/2021/TT-BTC, người nộp thuế được phép đăng ký giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN. Vậy dịch vụ T-VAN là gì? Những thủ tục nào cần tiến hành để một tổ chức được cung cấp dịch vụ T-VAN? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về vấn đề này.
>> Cách tính thuế TNCN theo phương pháp rút gọn
>> Các trường hợp bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử kể từ 01/7/2022
Căn cứ Khoản 7 Điều 3 Thông tư 19/2021/TT-BTC, có thể hiểu:
Dịch vụ T-VAN (viết tắt của từ Tech Valley Angel Network) là dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
Hay nói cách khác, tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN là người trung gian được Tổng cục Thuế chấp nhận kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để cung cấp dịch vụ đại diện (một phần hoặc toàn bộ) cho người nộp thuế thực hiện việc gửi, nhận, lưu trữ, phục hồi chứng từ điện tử; hỗ trợ khởi tạo, xử lý chứng từ điện tử; xác nhận việc thực hiện giao dịch điện tử giữa người nộp thuế với cơ quan thuế.
Theo Điều 41 Thông tư 19/2021/TT-BTC, điều kiện để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ T-VAN:
Điều kiện về chủ thể
- Là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin trên mạng viễn thông di động, mạng Internet; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số (theo Khoản 1 Điều 15 Nghị định 165/2018/NĐ-CP);
- Có tối thiểu 03 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin;
- Có kinh nghiệm trong việc xây dựng giải pháp công nghệ thông tin và giải pháp trao đổi dữ liệu điện tử giữa các tổ chức.
Điều kiện về tài chính
- Có đủ năng lực tài chính để thiết lập hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, tổ chức và duy trì hoạt động phù hợp với quy mô cung cấp dịch vụ và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật (được đề cập bên dưới);
- Có ký quỹ tại một ngân hàng ở Việt Nam hoặc có giấy bảo lãnh của một ngân hàng ở Việt Nam không dưới 5 tỷ đồng, hoặc mua bảo hiểm để giải quyết các rủi ro và các khoản đền bù có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ và thanh toán chi phí tiếp nhận và duy trì cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp trong quá trình cung cấp dịch vụ T-VAN.
Điều kiện về nhân sự
- Có tối thiểu 05 nhân viên kỹ thuật trình độ đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin, đảm bảo có kinh nghiệm thực tiễn về quản trị mạng, bảo mật hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử, quản trị cơ sở dữ liệu, am hiểu pháp luật thuế.
- Có nhân viên kỹ thuật thường xuyên theo dõi, kiểm tra 24 giờ/ ngày và 7ngày/tuần (24/7) bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết.
Điều kiện về kỹ thuật
- Có hệ thống thiết bị, kỹ thuật đảm bảo cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế và kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối của Tổng cục Thuế, đảm bảo hoạt động trực tuyến 24/7.
- Có hệ thống thiết bị, kỹ thuật dự phòng đặt tại trung tâm dự phòng cách xa trung tâm dữ liệu chính tối thiểu 20km sẵn sàng hoạt động khi hệ thống chính gặp sự cố. Có các quy trình sao lưu dữ liệu, sao lưu trực tuyến dữ liệu, khôi phục dữ liệu với thời gian tối đa 08 giờ kể từ thời điểm hệ thống gặp sự cố.
- Có khả năng phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn các truy cập bất hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng để đảm bảo tính bảo mật, toàn vẹn của dữ liệu trao đổi giữa các bên tham gia có biện pháp kiểm soát giao dịch với người nộp thuế và với cơ quan thuế.
- Trường có cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử thì phải đáp ứng các điều kiện của tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử quy định tại các văn bản hiện hành.
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Văn bản đề nghị kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế;
- Các tài liệu, hồ sơ chứng minh hệ thống đáp ứng tiêu chuẩn và đề án cung cấp dịch vụ T-VAN.
Trình tự tiến hành
Bước 1: Nộp hồ sơ đến Tổng cục thuế;
Bước 2: Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị kết nối, Tổng cục Thuế có thông báo về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị kết nối.
Bước 3: Trong trường hợp được Tổng cục Thuế chấp nhận kết nôi, doanh nghiệp thực hiện kết nối kỹ thuật với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và thông báo cho Tổng cục Thuế sau khi đã kết nối thành công
Bước 4: Tổng cục Thuế thực hiện kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp việc đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối và ký biên bản kết quả.
- Nếu Biên bản kiểm tra có kết quả là đáp ứng các tiêu chuẩn kết nối thì Tổng cục Thuế ký văn bản thỏa thuận với doanh nghiệp. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày ký biên bản, Tổng cục Thuế và doanh nghiệp thống nhất nội dung, thời gian ký thỏa thuận.
- Nếu Biên bản kiểm tra có kết quả là không đáp ứng các tiêu chuẩn kết nối thì Tổng cục Thuế có văn bản thông báo từ chối ký thỏa thuận và nêu rõ lý do.
Bước 5: Chậm nhất 10 ngày làm việc sau khi ký thỏa thuận, Tổng cục Thuế công bố công khai bổ sung danh sách tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN trên Trang thông tin điện tử (http://www.gdtgov.vn) và Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Trên đây là quy định về Dịch vụ T-VAN là gì? Những thủ tục cần tiến hành để cung cấp dịch vụ T-VAN. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý: