Pháp luật hiện nay quy định như thế nào đối với Chuẩn mực kiểm toán 315? – Thành Minh (Gia Lai).
>> Chuẩn mực kiểm toán số 260: Trao đổi các vấn đề với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán (Phần 3)
>> Chuẩn mực kiểm toán số 260: Trao đổi các vấn đề với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán (Phần 2)
Căn cứ theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam Chuẩn mực kiểm toán số 315: Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị (gọi tắt là Chuẩn mực kiểm toán số 315) (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC), Chuẩn mực kiểm toán 315 được quy định như sau:
Phạm vi áp dụng của Chuẩn mực kiểm toán 315 bao gồm:
- Chuẩn mực kiểm toán 315 quy định và hướng dẫn trách nhiệm của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán (sau đây gọi là “kiểm toán viên”) trong việc xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị, trong đó có kiểm soát nội bộ.
- Kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực kiểm toán 315 trong quá trình thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính.
Đơn vị được kiểm toán (khách hàng) và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này để phối hợp công việc với kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán cũng như xử lý các mối quan hệ liên quan đến các thông tin đã được kiểm toán.
Chuẩn mực kiểm toán số 315 theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam |
Chuẩn mực kiểm toán số 315: Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Mục tiêu của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán là xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn ở cấp độ báo cáo tài chính và cấp độ cơ sở dẫn liệu, thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị, trong đó có kiểm soát nội bộ, từ đó cung cấp cơ sở cho việc thiết kế và thực hiện các biện pháp xử lý đối với rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá.
Trong các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Cơ sở dẫn liệu: Là các khẳng định của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán một cách trực tiếp hoặc dưới hình thức khác về các khoản mục và thông tin trình bày trong báo cáo tài chính và được kiểm toán viên sử dụng để xem xét các loại sai sót có thể xảy ra.
- Rủi ro kinh doanh: Là rủi ro phát sinh từ các điều kiện, sự kiện, tình huống, việc thực hiện hay không thực hiện các hành động có ảnh hưởng đáng kể mà có thể dẫn đến ảnh hưởng bất lợi tới khả năng đạt được mục tiêu và thực hiện được chiến lược kinh doanh của đơn vị, hoặc là rủi ro phát sinh từ việc xác định mục tiêu và chiến lược kinh doanh không phù hợp.
- Kiểm soát nội bộ: Là quy trình do Ban quản trị, Ban Giám đốc và các cá nhân khác trong đơn vị thiết kế, thực hiện và duy trì để tạo ra sự đảm bảo hợp lý về khả năng đạt được mục tiêu của đơn vị trong việc đảm bảo độ tin cậy của báo cáo tài chính, đảm bảo hiệu quả, hiệu suất hoạt động, tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan. Thuật ngữ “kiểm soát” được hiểu là bất cứ khía cạnh nào của một hoặc nhiều thành phần của kiểm soát nội bộ.
- Thủ tục đánh giá rủi ro: Là thủ tục kiểm toán được thực hiện để thu thập các hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị, trong đó có kiểm soát nội bộ, nhằm xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn ở cấp độ báo cáo tài chính hoặc cấp độ cơ sở dẫn liệu.
- Rủi ro đáng kể: Là rủi ro có sai sót trọng yếu đã được xác định và đánh giá mà theo xét đoán của kiểm toán viên phải đặc biệt lưu ý khi kiểm toán.
Quý khách hàng xem tiếp tục >> Chuẩn mực kiểm toán số 315: Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán (Phần 2).