Khai thuế theo quý với thuế GTGT và thuế TNCN phải đảm bảo các tiêu chí nào?
Khai thuế theo quý với thuế GTGT và thuế TNCN phải đảm bảo các tiêu chí nào?
Theo Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì tiêu chí khai thuế theo quý đối với thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN) được quy định như sau:
- Khai thuế giá trị gia tăng theo quý áp dụng đối với:
+ Người nộp thuế thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP nếu có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống thì được khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xác định là tổng doanh thu trên các tờ khai thuế giá trị gia tăng của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch.
Trường hợp người nộp thuế thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thì doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bao gồm cả doanh thu của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.
+ Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh thì được lựa chọn khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng sẽ căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo kỳ tính thuế tháng hoặc quý.
- Khai thuế thu nhập cá nhân theo quý như sau:
+ Người nộp thuế thuộc diện khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP nếu đủ điều kiện khai thuế giá trị gia tăng theo quý thì được lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý.
+ Việc khai thuế theo quý được xác định một lần kể từ quý đầu tiên phát sinh nghĩa vụ khai thuế và được áp dụng ổn định trong cả năm dương lịch.
* Người nộp thuế có trách nhiệm tự xác định thuộc đối tượng khai thuế theo quý để thực hiện khai thuế theo quy định.
- Người nộp thuế đáp ứng tiêu chí khai thuế theo quý được lựa chọn khai thuế theo tháng hoặc quý ổn định trọn năm dương lịch.
- Trường hợp người nộp thuế đang thực hiện khai thuế theo tháng nếu đủ điều kiện khai thuế theo quý và lựa chọn chuyển sang khai thuế theo quý thì gửi văn bản đề nghị quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP đề nghị thay đổi kỳ tính thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 31 tháng 01 của năm bắt đầu khai thuế theo quý.
Nếu sau thời hạn này người nộp thuế không gửi văn bản đến cơ quan thuế thì người nộp thuế tiếp tục thực hiện khai thuế theo tháng ổn định trọn năm dương lịch.
- Trường hợp người nộp thuế tự phát hiện không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì người nộp thuế phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ tháng đầu của quý tiếp theo. Người nộp thuế không phải nộp lại hồ sơ khai thuế theo tháng của các quý trước đó nhưng phải nộp Bản xác định số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số đã kê khai theo quý quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP và phải tính tiền chậm nộp theo quy định.
- Trường hợp cơ quan thuế phát hiện người nộp thuế không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì cơ quan thuế phải xác định lại số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số người nộp thuế đã kê khai và phải tính tiền chậm nộp theo quy định. Người nộp thuế phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ thời điểm nhận được văn bản của cơ quan thuế.
Khai thuế theo quý với thuế GTGT và thuế TNCN phải đảm bảo các tiêu chí nào? (Hình từ Internet)
Khấu trừ thuế GTGT đầu vào được quy định như thế nào?
Quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo Điều 12 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (sửa đổi tại khoản 6 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013) như sau:
- Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào như sau:
+ Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế giá trị gia tăng đầu vào không được bồi thường của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng bị tổn thất;
+ Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế thì chỉ được khấu trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng.
Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ % giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng so với tổng doanh thu hàng hoá, dịch vụ bán ra;
+ Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại được khấu trừ toàn bộ;
+ Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí được khấu trừ toàn bộ;
+ Thuế giá trị gia tăng đầu vào phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.
- Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào được quy định như sau:
+ Có hoá đơn giá trị gia tăng mua hàng hoá, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu;
+ Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng;
+ Đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 12 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (sửa đổi tại khoản 6 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013) còn phải có: hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ; chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; tờ khai hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu.
Việc thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu dưới hình thức thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu, trả nợ thay Nhà nước được coi là thanh toán không dùng tiền mặt.
Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT được quy định như thế nào?
Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng theo Điều 11 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (sửa đổi tại khoản 5 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013) như sau:
- Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý.
Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.
- Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu áp dụng như sau:
+ Đối tượng áp dụng:
++ Doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (sửa đổi tại khoản 4 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013);
++ Hộ, cá nhân kinh doanh;
++ Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có doanh thu phát sinh tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ, trừ tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam khấu trừ nộp thay;
++ Tổ chức kinh tế khác, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (sửa đổi tại khoản 4 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013);
+ Tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:
++ Phân phối, cung cấp hàng hoá: 1%;
++ Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;
++ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;
++ Hoạt động kinh doanh khác: 2%
- Thuế TNCN đối với khoản thu nhập đá bóng của các cầu thủ được quy định như thế nào?
- Tiền thưởng khi thắng giải đá bóng thì cầu thủ nộp thuế TNCN với thuế suất bao nhiêu?
- Có bao nhiêu điều kiện để người khai hải quan được giải phóng hàng hóa?
- Áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên đối với đối tượng nào?
- Hệ số lương của Kiểm tra viên thuế hiện nay là bao nhiêu?
- Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tính thuế TNCN như thế nào?
- Lời chúc Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cho người yêu? Các khoản thu nhập nào của sĩ quan quân đội không chịu thuế TNCN?
- 02 Cách tra cứu mã số thuế cá nhân online trên máy tính và điện thoại nhanh nhất?
- Biểu thuế toàn phần tính thuế TNCN mới nhất 2025 như thế nào? Cách tính thuế TNCN theo biểu thuế toàn phần?
- Nhà cung cấp ở nước ngoài được ủy quyền thực hiện đăng ký thuế tại Việt Nam không?