Hiện nay đối với các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu như karaoke, quán bar vẫn có yêu cầu tạm dừng hoạt động. Trường hợp chủ kinh doanh vẫn bất chấp mở cửa thì pháp luật quy định xử phạt như thế nào?
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Chỉ thị 19/CT-TTg thì các địa phương sẽ quyết định cụ thể các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải tạm dừng đóng cửa.
Đơn cử như theo Công văn 1553/UBND-VX về việc triển khai Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, kể từ ngày 29/4/2020 cho đến khi có thông báo mới, tiếp tục tạm dừng hoạt động đối với các lĩnh vực sau đây:
- Cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, spa, mát-xa, xông hơi; các khu vui chơi, giải trí, sân khấu, rạp chiếu phim, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer club, hát với nhau; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử (Internet, game-online).
- Việc tiếp nhận khách mới tại các cơ sở lưu trú kinh doanh theo mô hình Homestay, AirBnb.
- Lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.
-Tụ tập trên 30 người nơi công cộng, bên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
- Hoạt động, hội họp tập trung trên 30 người.
Nếu cơ sở kinh doanh nào vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ; cụ thể:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi “ Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng”.
Đây là mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi.
Quý Nguyễn