Logo

...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...

Lao động tư do phải làm gì để nhận được tiền hỗ trợ Covid-19 đợt 2?

17:50 14/07/21

Tôi là lao động tự do, xin hỏi tôi cần thủ tục gì để được nhận hỗ trợ Covid-19 đợt này (7/2021)? - Đây là câu hỏi của chị Hoa đến từ TP.HCM.

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP, đối với lao động tự do thì Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Như vậy, tùy địa phương mà sẽ có chính sách hỗ trợ và hướng dẫn thủ tục khác nhau; trường hợp của chị Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh thì thực hiện theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND ngày 25/6/2021 và Công văn 2209/UBND-KT ngày 01/7/2021  như sau:

Đối tượng hỗ trợ

Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Mức hỗ trợ: 50.000 đồng/người/ngày.

Thời gian hỗ trợ: kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2021. 

Trước mắt, thực hiện hỗ trợ đợt 01 cho 02 lần giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 31 tháng 5 năm 2021 đến ngày 14 tháng 6 năm 2021 và từ ngày 15 tháng 6 năm 2021 đến ngày 29 tháng 6 năm 2021.

Điều kiện hỗ trợ

Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: 

- Mất việc làm; không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4.000.000 đồng/tháng (mức chuẩn cận nghèo của Thành phố giai đoạn 2021-2025). 

- Cư trú hợp pháp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận). 

- Làm một trong 06 loại công việc sau: 

+ Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định (buôn gánh bán bưng); 

+ Thu gom rác, phế liệu; 

+ Bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ; 

+ Bán lẻ vé số lưu động; 

+ Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); 

+ Làm công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của ủy ban nhân dân Thành phố tại Công văn số 1749/UBND-VX ngày 30 tháng 5 năm 2021.

Trình tự, thủ tục thực hiện:

- Nhóm 1: Người lao động tự làm công việc (không phụ thuộc vào hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh) như: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố; Thu gom rác, phế liệu; Bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ; Bán lẻ vé số lưu động; Tự làm trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

+ Trong 03 ngày làm việc, ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê, lập Danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ (Mẫu số 3); Thông qua Hội đồng xét duyệt cấp xã gồm: lãnh đạo xã, cán bộ phụ trách kinh tế, cán bộ phụ trách lao động, công an khu vực, các đoàn thể Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng Sản, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, trưởng ấp/khu phố...; báo cáo ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận huyện.

Mẫu 3

+ Trong 02 ngày làm việc, ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận huyện (giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) rà soát, thẩm định, phê duyệt danh sách gửi ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. 

+  Trong 02 ngày làm việc, ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định hỗ trợ và chi trả hỗ trợ trực tiếp cho từng người lao động. 

Trường hợp người lao động không được hỗ trợ, ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thông báo và nêu rõ lý do cho người lao động biết.

- Nhóm 2: Người lao động làm thuê tại hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ), một số lĩnh vực ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của ủy ban nhân dân Thành phố tại Công văn số 1749/UBND-VX ngày 30 tháng 5 năm 2021.

+ Chủ sử dụng lao động thống kê, lập Danh sách người lao động (tạm hoãn) không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (Mẫu số 4) gửi ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (nơi đặt cơ sở, điểm hoạt động). 

Mẫu 4

+  Trong 03 ngày làm việc, ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thông qua Hội đồng xét duyệt gồm: lãnh đạo cấp xã, cán bộ phụ trách kinh tế, cán bộ phụ trách lao động, công an khu vực, các đoàn thể Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng Sản, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Mặt trận tô quốc, trưởng ấp/khu phố...; lập Danh sách đủ điều kiện hưởng hỗ trợ báo cáo ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận huyện

+ Trong 02 ngày làm việc, ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận huyện (giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) rà soát, thẩm định, phê duyệt và gửi Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

+ Trong 02 ngày làm việc, ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định hỗ trợ và chi trả hỗ trợ trực tiếp cho từng người lao động.

Trường hợp người lao động không được hỗ trợ, ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thông báo và nêu rõ lý do cho chủ sử dụng lao động, người lao động biết.

Quý Nguyễn

1,460