"Học sinh các cấp sắp đi học trở lại, điều tôi lo lắng là nếu không may có học sinh bị nghi nhiễm COVID-19 thì xử lý thế nào?" - Đây là thắc mắc của bạn Kim Oanh (Thanh Hóa)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo hướng dẫn tại Công văn 1398/BGDĐT-GDTC ngày 23/4/2020 của Bộ GD&ĐT, khi phát hiện có học sinh mắc một trong các triệu chứng như sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 (gọi chung là người nghi ngờ) trong trường học cần thực hiện theo các bước sau:
Tiến hành cách ly và điều tra dịch tễ
Bước 1: Giáo viên cho lớp học tạm ngừng học, thực hiện biện pháp hạn chế tiếp xúc giữa người nghi ngờ với những người khác trong khoảng cách dưới 02 mét.
Bước 2: Giáo viên liên hệ với nhân viên y tế/giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học (sau đây gọi tắt là cán bộ y tế trường học) để thực hiện nhiệm vụ cách ly và điều tra dịch tễ.
Bước 3: Cán bộ y tế trường học phải được trang bị trang phục, dụng cụ y tế (đeo khẩu trang y tế, găng tay, trang phục y tế[2]) thực hiện việc cung cấp khẩu trang y tế cho người nghi ngờ và hướng dẫn đeo đúng cách.
Bước 4: Cán bộ y tế trường học đưa người nghi ngờ đến khu cách ly riêng trong phòng y tế hoặc khu vực do nhà trường bố trí theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn 1244/BYT-MT ngày 13/3/2020.
Bước 5: Cán bộ y tế trường học thực hiện việc khai thác tiền sử tiếp xúc dịch tễ của người nghi ngờ:
- Đối với học sinh trung học phổ thông, sinh viên, học viên: thực hiện việc hỏi trực tiếp;
- Đối với trẻ mầm non, học sinh tiểu học, trung học cơ sở: mời cha mẹ học sinh đến trường để phối hợp hỏi tiền sử tiếp xúc dịch tễ và thực hiện các biện pháp xử lý.
Nội dung điều tra dịch tễ - Trong 14 ngày gần nhất học sinh có đến và đi về từ vùng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế (cả trong và ngoài nước). Nếu có, nêu địa điểm cụ thể; - Trong vòng 14 ngày gần nhất có tiếp xúc gần (sống cùng nhà, học cùng lớp, sinh hoạt chung, tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách ≤ 1-2m, di chuyển trên cùng phương tiện,...) với những người đi về từ vùng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người nghi ngờ hoặc xét nghiệm có dương tính với Covid-19. Tham vấn ý kiến của cán bộ y tế xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị y tế địa phương theo quy định để khẳng định về tiền sử tiếp xúc dịch tễ. Nếu cần thiết thì mời cán bộ y tế khu vực, tuyến huyện, tuyến tỉnh đến hỗ trợ. |
Các xử trí sau khi điều tra dịch tễ
Trường hợp người nghi ngờ không có yếu tố tiếp xúc dịch tễ
- Cán bộ y tế trường học đưa học sinh, sinh viên, học viên hoặc phối hợp với cha mẹ đưa trẻ mầm non, học sinh phổ thông có biểu hiện sốt, ho, khó thở đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời. Thực hiện việc ghi lại các thông tin vào sổ theo dõi sức khỏe giáo viên và học sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 về công tác y tế trường học;
- Giáo viên tiếp tục cho lớp học học tập trở lại.
Trường hợp người nghi ngờ có yếu tố tiếp xúc dịch tễ
- Vận chuyển đến cơ sở y tế để cách ly và điều trị: Cán bộ y tế trường học phối hợp với trạm y tế xã hoặc cơ quan y tế có thẩm quyền tại địa phương để đưa người có biểu hiện nghi ngờ đến cơ sở y tế theo quy định để cách ly và điều trị. Việc vận chuyển người nghi ngờ phải thực hiện đúng theo quy định về phòng chống lây nhiễm.
- Các biện pháp xử lý tại nhà trường:
+ Đối với trường hợp có tiếp xúc gần thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền tại địa phương;
+ Thông báo cho toàn thể giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh cho học sinh nghỉ học cho đến khi nhà trường có thông báo mới. Thường xuyên liên lạc với học sinh, gia đình học sinh để cập nhật tình hình sức khỏe của học sinh;
+ Khử khuẩn môi trường: thực hiện khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Châu Thanh