Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự tồn vong của nhiều doanh nghiệp. Đây có được coi là lý do chính đáng để doanh nghiệp tiến hành giải thể không? - Anh Văn Hùng (TP.HCM).
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin giải đáp như sau:
Giải thể doanh nghiệp được hiểu là việc chấm dứt tư cách pháp nhân và các quyền, nghĩa vụ liên quan của doanh nghiệp.
Theo Khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 thì có 4 trường hợp doanh nghiệp bị giải thể bao gồm:
- Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
- Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
- Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
- Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Từ quy định này có thể thấy, ngoài trường hợp giải thể bắt buộc (khi rơi vào các trường hợp pháp luật quy định) thì doanh nghiệp cũng có thể bị giải thể theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần. Do đó, nếu vì dịch bệnh mà kinh doanh thua lỗ hoặc vì lý do khác thì doanh nghiệp có thể tiến hành thủ tục giải thể.
Tuy nhiên cần lưu ý là, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài (Khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014).
Thùy An