Logo

...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...

Doanh nghiệp có được giải thể công đoàn khi cắt giảm nhân sự không?

14:44 25/04/20

Cho em hỏi công ty em do ảnh hưởng dịch đã cắt giảm 50% nhân sự. Vậy em vẫn tham gia BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ chỉ có điều không tham gia công đoàn có được không và nếu được thì mình cần làm thủ tục gì để giải thể công đoàn? - Chị Hoài Thi (Hà Nội).

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin giải đáp như sau:

Theo Điều 13 và Điều 14 Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020 về Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XII) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành:

"Điều 13. Điều kiện thành lập và hình thức tổ chức của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở

1. Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, được thành lập ở một hoặc một số đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp, khi có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
...
Điều 14. Trình tự, thủ tục thành lập, giải thể công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở
...
3. Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở không đủ điều kiện tồn tại và hoạt động thì công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét quyết định giải thể, chấm dứt hoạt động."

Và theo Khoản 1 Điều 17 Quyết định 174/QĐ-TLĐ năm 2020 thì:

"Điều 17. Thẩm quyền thành lập và đối tượng tập hợp của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở

1. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức theo đơn vị hành chính, theo ngành, nghề, tổng công ty, tập đoàn kinh tế, do liên đoàn lao động tỉnh, thành phố hoặc công đoàn ngành trung ương quyết định thành lập, giải thể, theo hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn."

Như vậy, nếu xét thấy Công đoàn cơ sở không còn đủ điều kiện tồn tại và hoạt động hoặc không còn đủ 5 thành viên (không đáp ứng điều kiện về số lượng thành viên của công đoàn) thì Công đoàn có thể yêu cầu Công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét tiến hành thủ tục giải thể công đoàn cơ sở.

Hồ sơ giải thể Công đoàn gồm: Công văn của Ban giám đốc và Ban chấp hành Công đoàn cơ sở gởi Liên đoàn Lao động về việc đề nghị giải thể.

Trường hợp này, do doanh nghiệp cắt giảm lao động nên phải có khai báo giảm lao động có xác nhận của cơ quan chức năng. Kinh phí và đoàn phí truy thu dựa vào bảng lương hàng tháng của doanh nghiệp.

Lưu ý: Về việc đóng kinh phí công đoàn

Theo Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP hướng dẫn về tài chính công đoàn:

"Điều 4. Đối tượng đóng kinh phí công đoàn

Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở"

Có nghĩa là, việc đóng kinh phí công đoàn sẽ không phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có hay không có tổ chức công đoàn cơ sở. Do đó, khi công đoàn cơ sở giải thể thì doanh nghiệp vẫn có trách nhiệm đóng kinh phí công đoàn theo quy định.

Thùy An

2,454