BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2103/BTC-NSNN
V/v hướng dẫn thực hiện Quyết định số
62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 02 năm 2015
|
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ
doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông
dân và nông dân theo Quyết định số
62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến
khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng
cánh đồng lớn (sau đây gọi tắt là Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg) như sau:
1. Về mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước:
Căn cứ tình hình thực tế và khả năng cân đối của ngân
sách địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định các
mức chi cụ thể cho phù hợp, đảm bảo không vượt quá mức hỗ trợ tối đa theo quy định;
cụ thể như sau:
a) Về kinh phí tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật
cho nông dân sản xuất theo hợp đồng:
Căn cứ để quyết định mức hỗ trợ kinh phí tổ chức
đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật theo quy định tại Thông tư liên tịch số
183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp
đối với hoạt động khuyến nông; Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng mức hỗ trợ
kinh phí mua tài liệu, tiền ăn, ở, đi lại, thuê hội trường, thù lao giảng viên
(nếu có), chi phí tổ chức lớp học để tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật nông
dân sản xuất theo hợp đồng cho doanh nghiệp (tối đa 50% kinh phí), cho tổ chức
đại diện của nông dân (tối đa 100% kinh phí) báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định
theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 và điểm đ, khoản 1 Điều
5 Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg.
Riêng đối với
chi phí tổ chức tham quan: Tùy theo yêu cầu của khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật có tổ chức tham quan được cấp có
thẩm quyền phê duyệt trong chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức đại diện của nông dân được chi trả tiền
thuê xe và các chi phí liên hệ để tổ chức tham quan cho nông dân sản xuất nông
sản theo hợp đồng.
b) Về hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật, công lao động,
thuê máy để thực hiện bảo vệ thực vật chung cho các thành viên.
Căn cứ các quy trình canh tác cây trồng và chi phí
về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy khi thực hiện dịch vụ bảo vệ
thực vật chung cho các thành viên, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mức hỗ trợ tổ chức đại diện của nông
dân (tối đa 30% trong năm đầu và 20% năm
thứ 2) để thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật chung cho các thành viên báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân
dân cùng cấp quyết định theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều
5 Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg.
c) Về hỗ trợ
kinh phí tập huấn cán bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về quản lý, hợp đồng
kinh tế, kỹ thuật sản xuất.
Căn cứ mức hỗ trợ kinh phí tập huấn cán bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về quản lý, hợp
đồng kinh tế, kỹ thuật sản xuất theo quy định tại Thông tư số 66/2006/TT-BTC
ngày 17/7/2006 và Thông tư số 173/2012/TT-BTC ngày 22/10/2012 của Bộ Tài chính
hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ các sáng lập viên hợp tác xã chuẩn bị thành lập,
các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của hợp tác xã; Sở Tài chính chủ trì phối hợp
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở,
ban, ngành có liên quan xây dựng mức hỗ trợ tiền ăn, ở, mua tài liệu, học phí
cho cán bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (hỗ trợ 1 lần tối đa 50% kinh phí)
báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội
đồng nhân dân cùng cấp quyết định theo quy định
tại điểm d, khoản 1 Điều 5 Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg.
d) Về hỗ trợ
nông dân chi phí mua giống cây trồng để gieo trồng
vụ đầu tiên trong dự án cánh đồng lớn và kinh phí lưu kho tại doanh nghiệp trong trường hợp
Chính phủ thực hiện chủ trương tạm trữ nông sản.
Căn cứ chi phí giống của từng loại cây trồng, giá
cho thuê kho tạm trữ nông sản trên địa bàn Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông xây dựng mức hỗ trợ nông dân chi phí mua giống cấy
trồng (tối đa 30%), kinh phí lưu kho tại doanh nghiệp (hỗ trợ 100%) báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân
dân cùng cấp quyết định theo quy định tại điểm b, c, khoản 1, Điều
6 Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg.
e) Riêng đối với việc quy hoạch, cải tạo đồng ruộng,
hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất
nông nghiệp, trường hợp giao doanh nghiệp tham gia liên kết trong cánh đồng lớn
thực hiện, khi xây dựng Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn doanh nghiệp phải lập
phương án đề nghị hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng,
hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất
nông nghiệp gửi Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các
Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện
có liên quan thẩm định báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân
cùng cấp quyết định.
2. Về hỗ trợ kinh
phí:
a) Khi xây dựng dự án hoặc phương án cánh đồng lớn
doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân lập phương án hỗ trợ kinh phí tổ
chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo hợp đồng; hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật, công
lao động, thuê máy để thực hiện bảo vệ thực vật chung cho các thành viên; hỗ trợ
kinh phí tập huấn cán bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về quản lý, hợp đồng
kinh tế, kỹ thuật sản xuất; kinh phí hỗ trợ nông dân mua giống cấy trồng để
gieo trồng vụ đầu tiên trong dự án cánh đồng lớn theo quy định.
b) Trên cơ sở các chứng từ, bảng kê có ký nhận (đối
với khoản chi hỗ trợ trực tiếp cho cá nhân) thực tế chi phí triển khai việc tổ chức
đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo hợp đồng, thực hiện bảo
vệ thực vật chung cho các thành viên; chi phí hỗ trợ cán bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham dự tập huấn
về quản lý, hợp đồng kinh tế, kỹ thuật sản xuất; lập quy hoạch; khối lượng đầu
tư cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống
điện phục vụ sản xuất nông nghiệp; căn cứ vào Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn
được phê duyệt, mức hỗ trợ theo quy định;
trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân đủ điều kiện hưởng ưu
đãi hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 4, khoản 2 Điều 5 Quyết
định số 62/2013/QĐ-TTg, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh quyết định. Quyết định của Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân gửi
các cơ quan: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở kế hoạch
và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh. Căn cứ
quyết định hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh, Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc
Nhà nước chuyển tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân.
Đối với kinh phí hỗ trợ nông dân mua giống cây trồng
để gieo trồng vụ đầu tiên trong dự án cánh đồng lớn và kinh phí lưu kho tại
doanh nghiệp trong trường hợp Chính phủ thực hiện chủ trương tạm trữ nông sản:
căn cứ bản sao chứng từ, hóa đơn mua giống cây trồng, thuê kho của doanh nghiệp
và biên bản nghiệm thu hợp đồng liên kết và tiêu thụ nông sản ký giữa doanh
nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân
với nông dân (có xác nhận của Ủy ban Nhân
dân cấp xã việc thực hiện hợp đồng của nông dân), Phòng Nông nghiệp và phát triển
nông thôn cấp huyện tổng hợp báo cáo, Ủy ban
nhân dân cấp huyện gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, phối hợp
với Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh quyết định. Quyết định của Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ cho nông dân gửi các cơ quan: Sở Nông nghiệp và phát
triển nông thôn, Sở Tài chính, Kho bạc
Nhà nước tỉnh, Kho bạc Nhà nước huyện (nơi thực hiện dự án cánh đồng lớn).
c) Căn cứ quyết định hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và lịch cấp tiền hỗ trợ
do Kho bạc Nhà nước huyện thông báo, hộ nông dân đến Kho bạc Nhà nước huyện để
làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ.
3. Thực hiện chính
sách ưu đãi về đất đai
a) Nguyên tắc thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất
- Việc miễn, giảm tiền thuê đất được thực hiện theo
từng dự án đầu tư gắn với việc cho thuê đất mới.
- Miễn, giảm tiền thuê đất được thực hiện trực tiếp
với đối tượng được Nhà nước cho thuê đất và tính trên số tiền thuê đất phải nộp.
- Doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân chỉ
được hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất
sau khi làm các thủ tục để được miễn theo quy định.
- Doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân được
miễn, giảm tiền thuê đất phải có phương án thực hiện các nội dung được ưu đãi,
hỗ trợ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4, điểm a khoản 1 Điều 5
Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Doanh nghiệp phải có hợp đồng trực tiếp hoặc liên
kết với doanh nghiệp khác để cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất,
gắn với mua nông sản của hộ nông dân hoặc tổ chức đại diện của hộ nông dân
trong dự án cánh đồng lớn.
- Tổ chức đại diện hộ nông dân phải có hợp đồng và thực hiện cung ứng đầu vào cho sản
xuất hoặc tổ chức sản xuất hoặc tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên và nông
dân trên địa bàn.
- Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đại diện hộ nông
dân đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép miễn, giảm tiền thuê đất
theo quy định tại Công văn này nhưng quá
trình quản lý, sử dụng đất không đáp ứng các điều kiện để được miễn, giảm tiền
thuê đất có nguyên nhân từ phía người thuê đất nhưng không thuộc trường hợp bị
thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai thì phải thực hiện hoàn trả
ngân sách nhà nước số tiền thuê đất đã được miễn, giảm và tiền chậm nộp tính trên số tiền thuê đất được miễn, giảm theo quy
định của pháp luật về quản lý thuế.
b) Mức miễn tiền thuê đất
Việc ưu đãi về tiền thuê đất quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4, điểm a khoản 1 Điều 5 Quyết định số
62/2013/QĐ-TTg được hướng dẫn cụ thể như sau:
- Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản
theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ
ngày có quyết định cho thuê đất đối với doanh nghiệp thuê đất thực hiện các dự
án xây dựng nhà máy chế biến, kho chứa, nhà ở cho công nhân, nhà công vụ cho dự
án cánh đồng lớn; tổ chức đại diện của nông dân thuê đất để thực hiện xây dựng
cơ sở sấy, chế biến, kho chứa phục vụ cho dự án cánh đồng lớn.
- Miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê đối với
doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông
dân thuê đất thực hiện các dự án xây dựng nhà máy chế biến, cơ sở sấy, chế biến,
kho chứa phục vụ cho dự án cánh đồng lớn tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã
hội đặc biệt khó khăn; dự án sử dụng đất xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà công
vụ phục vụ cho dự án cánh đồng lớn theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt,
chủ đầu tư không được tính chi phí về tiền thuê đất vào giá cho thuê nhà.
- Miễn tiền thuê đất mười một (11) năm đối với
doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân thuê đất thực hiện các dự án xây dựng
nhà máy chế biến, cơ sở sấy, chế biến, kho chứa phục vụ cho dự án cánh đồng lớn
tại địa bàn không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó
khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Miễn tiền thuê đất mười lăm (15) năm đối với
doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân thuê đất thực hiện các dự án xây dựng
nhà máy chế biến, cơ sở sấy, chế biến, kho chứa phục vụ cho dự án cánh đồng lớn
tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
(Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó
khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo
quy định của pháp luật về đầu tư).
c) Hồ sơ, trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền thuê đất
Thực hiện theo quy định
tại Điều 21 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của
Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và Điều
14, Điều 15 Thông tư 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn
một số điều của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP .
4. Nguồn kinh phí
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 7
Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, nguồn kinh phí để thực hiện các chính sách từ
nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ để thực
hiện các chương trình, dự án; nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp
pháp khác
5. Về lập dự toán,
quản lý, quyết toán kinh phí
Việc lập dự toán quản lý, quyết toán kinh phí thực
hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn; ngoài ra, Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung như
sau:
Hàng năm, căn cứ vào Dự án hoặc Phương án cánh đồng
lớn được phê duyệt và kế hoạch triển khai Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn lập dự toán gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch
và Đầu tư để tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định.
Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện ./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ NN&PTNT;
- Bộ KH&ĐT;
- Sở TC các tỉnh/thành phố;
- Vụ: TCNH, HCSN, PC;
- Cục: QLCS, TCDN, QLGSBH;
- Lưu: VT, Vụ NSNN (160)
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Hiếu
|