Kính gửi:
|
- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương
- Các đơn vị trực thuộc cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam
|
Thực hiện các quy định của Đảng và Chính phủ về
công tác cán bộ, ngày 18/4/2019 Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam
đã ban hành Quyết định số 438/QĐ-BHXH kèm theo Quy định về việc bổ nhiệm, bổ
nhiệm lại, điều động luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, đình chỉ chức vụ và công
tác đối với công chức lãnh đạo, viên chức quản lý và kế toán trưởng các đơn vị
thuộc hệ thống BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, ngày 25/9/2020 Chính phủ ban hành Nghị
định số 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có
hiệu lực thực hiện từ 29/9/2020, trong đó có quy định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại,
kéo dài thời gian giữ chức vụ và thôi giữ chức vụ đối với viên chức quản lý.
Để kịp thời triển khai một số nội dung theo Nghị định
số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ và chủ trương theo Nghị quyết số 182-NQ/BCS
ngày 10/3/2020 của Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam, trong khi chờ sửa đổi, bổ
sung quy định của Ngành, ngoài Quy định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với công chức
lãnh đạo, viên chức quản lý thuộc hệ thống BHXH Việt Nam được ban hành kèm theo
Quyết định số 438/QĐ-BHXH, BHXH Việt Nam tạm thời hướng dẫn bổ sung thêm một số
nội dung về công tác cán bộ như sau:
I. Về trách nhiệm và thẩm quyền
trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, viên chức quản lý.
1. Người đứng đầu, các thành viên trong cấp ủy,
lãnh đạo cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đề xuất nhân sự và nhận xét, đánh giá đối
với nhân sự được đề xuất.
2. Tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị
thảo luận, nhận xét, đánh giá, quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem
xét, quyết định.
3. Cá nhân, tập thể đề xuất bổ nhiệm phải chịu
trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền về ý kiến đề xuất, nhận xét, đánh giá, kết
luận tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác, ưu,
khuyết điểm đối với nhân sự được đề xuất bổ nhiệm.
4. Bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ và các cơ
quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, đề xuất nhân sự
theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
5. Tập thể lãnh đạo, người đứng đầu quyết định bổ
nhiệm chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình; lãnh đạo, chỉ đạo công tác
kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về công tác cán bộ.
6. Công chức, viên chức được đề xuất, xem xét bổ
nhiệm phải chịu trách nhiệm về việc kê khai lý lịch, hồ sơ cá nhân, kê khai tài
sản, thu nhập của mình, giải trình các nội dung liên quan.
II. Về hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm
lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với công chức lãnh đạo và viên chức quản
lý.
Ngoài thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 12 Quy định về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều
động luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, đình chỉ chức vụ và công tác đối với
công chức lãnh đạo, viên chức quản lý và kế toán trưởng các đơn vị thuộc hệ thống
BHXH Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 438/QĐ-BHXH, bổ sung thêm:
1. Bản nhận xét của chi ủy nơi cư trú đối với bản
thân và gia đình. Trường hợp nơi cư trú của bản thân khác với nơi cư trú của
gia đình thì phải lấy nhận xét của chi ủy nơi bản thân cư trú và nơi gia đình
cư trú.
2. Bản Kết luận của cấp ủy có thẩm quyền về tiêu
chuẩn chính trị đối với nhân sự được đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
3. Bản cam kết của nhân sự được xem xét bổ nhiệm, bổ
nhiệm lại về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong thời gian giữ chức vụ.
III. Quy định về bổ nhiệm trong
trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia tách, tổ chức lại đơn vị.
1. Đối với các đơn vị trực thuộc cơ quan BHXH Việt
Nam.
a) Trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia tách, tổ chức
lại đơn vị mà chức vụ của viên chức đang giữ ở đơn vị cũ tương đương hoặc cao
hơn chức vụ viên chức dự kiến đảm nhiệm ở đơn vị mới hoặc trường hợp đổi tên
đơn vị thì tập thể lãnh đạo, cấp ủy đơn vị mới họp thảo luận và có Nghị quyết
thống nhất, Thủ trưởng đơn vị mới có tờ trình kèm theo Nghị quyết của tập thể
lãnh đạo và cấp ủy trình Tổng Giám đốc (qua Vụ Tổ chức cán bộ) xem xét, quyết định
theo vị trí chức danh mới tương ứng.
b) Trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia tách, tổ chức
lại đơn vị mà chức vụ của viên chức đang giữ ở đơn vị cũ thấp hơn chức vụ viên
chức dự kiến đảm nhiệm ở đơn vị mới thì việc bổ nhiệm được thực hiện theo quy
trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác.
2. Đối với các đơn vị trực thuộc BHXH tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương.
a) Trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia tách, tổ chức
lại đơn vị mà chức vụ của viên chức đang giữ ở đơn vị cũ tương đương hoặc cao
hơn chức vụ viên chức dự kiến đảm nhiệm ở đơn vị mới hoặc trường hợp đổi tên
đơn vị thì tập thể lãnh đạo, cấp ủy BHXH tỉnh họp thảo luận và có Nghị quyết thống
nhất.
- Đối với chức danh Trưởng phòng, Giám đốc BHXH cấp
huyện, BHXH tỉnh có tờ trình kèm theo Nghị quyết của tập thể lãnh đạo và cấp ủy,
gửi BHXH Việt Nam xem xét, phê duyệt. Trên cơ sở văn bản phê duyệt của BHXH Việt
Nam, Giám đốc BHXH tỉnh ban hành quyết định chuyển đổi chức vụ theo vị trí việc
làm mới tương ứng.
- Đối với chức danh Phó Trưởng phòng hoặc Phó Giám
đốc BHXH cấp huyện, trên cơ sở Nghị quyết của tập thể lãnh đạo và cấp ủy BHXH tỉnh,
Giám đốc BHXH tỉnh ban hành quyết định chuyển đổi chức vụ theo vị trí việc làm
mới tương ứng.
b) Trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia tách, tổ chức
lại đơn vị mà chức vụ của viên chức đang giữ ở đơn vị cũ thấp hơn chức vụ viên
chức dự kiến đảm nhiệm ở đơn vị mới thì việc bổ nhiệm được thực hiện theo quy
trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác.
IV. Về một số quy định trong việc
bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với viên chức quản lý.
Ngoài những nội dung đã quy định tại Điều
8, Điều 21, Điều 22 Quy định về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động luân
chuyển, từ chức, miễn nhiệm, đình chỉ chức vụ và công tác đối với công chức
lãnh đạo, viên chức quản lý và kế toán trưởng các đơn vị thuộc hệ thống BHXH Việt
Nam ban hành kèm theo Quyết định số 438/QĐ-BHXH, bổ sung thêm:
1. Trường hợp viên chức quản lý khi hết thời hạn bổ
nhiệm mà chưa có quyết định bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ quản
lý của cấp có thẩm quyền thì không được thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm
quyền của chức vụ quản lý hiện giữ. Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm
quyền của chức vụ quản lý đó do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét,
quyết định.
2. Các trường hợp chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm
lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ quản lý:
a) Viên chức quản lý đang trong thời hạn xử lý kỷ
luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử;
b) Viên chức quản lý đang trong thời gian được cơ
quan, đơn vị có thẩm quyền cử đi học tập, công tác ở nước ngoài 03 tháng trở
lên;
c) Viên chức quản lý đang trong thời gian điều trị
nội trú từ 03 tháng trở lên tại các cơ sở y tế hoặc đang trong thời gian nghỉ
chế độ thai sản.
3. Về điều kiện bổ nhiệm lại:
- Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức
vụ theo quy định của pháp luật.
V. Về thôi giữ chức vụ đối với
viên chức quản lý.
1. Việc xem xét, quyết định cho thôi giữ chức vụ đối
với viên chức quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau:
a) Tự nguyện, chủ động xin thôi giữ chức vụ quản
lý;
b) Do không đủ sức khỏe, hạn chế về năng lực hoặc
không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao;
c) Vì các lý do chính đáng khác của viên chức.
2. Viên chức quản lý không được thôi giữ chức vụ nếu
thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Đang đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật; nếu
thôi giữ chức vụ ngay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chung của cơ quan,
đơn vị;
b) Đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm
tra, điều tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của Đảng và
pháp luật.
3. Trình tự, thủ tục xem xét cho thôi giữ chức vụ đối
với viên chức quản lý:
3.1. Đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các
đơn vị chuyên môn giúp việc Tổng Giám đốc, các đơn vị trực thuộc khác.
Chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày nhận đơn xin thôi
giữ chức vụ quản lý của viên chức, Vụ Tổ chức cán bộ tiến hành các thủ tục:
- Làm việc với Thủ trưởng đơn vị nơi viên chức đang
công tác để xác minh cụ thể lý do xin thôi giữ chức vụ;
- Gặp gỡ, trao đổi và nghe ý kiến của viên chức quản
lý xin thôi giữ chức vụ quản lý.
a) Trường hợp viên chức rút đơn thì dừng việc xem
xét.
b) Trường hợp viên chức không rút đơn, chậm nhất
sau 15 ngày kể từ ngày Vụ Tổ chức cán bộ thông báo kết quả làm việc với viên chức
xin thôi giữ chức vụ quản lý để tập thể lãnh đạo, cấp ủy đơn vị thảo luận và biểu
quyết bằng phiếu kín. Việc giải quyết cho viên chức được thôi giữ chức vụ quản
lý phải được trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo, cấp ủy đồng ý; trường
hợp đạt tỷ lệ 50% thì do Thủ trưởng đơn vị xem xét đề xuất. Trên cơ sở kết quả
biểu quyết, Thủ trưởng đơn vị có văn bản báo cáo Tổng Giám đốc (qua Vụ Tổ chức
cán bộ) xem xét.
Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp kết quả làm việc nêu
trên và lấy ý kiến của Phó Tổng Giám đốc phụ trách đơn vị, trình Tổng Giám đốc
xem xét, quyết định thôi giữ chức vụ đối với viên chức quản lý.
3.2. Đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các
đơn vị sự nghiệp trực thuộc BHXH Việt Nam.
Chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày nhận đơn xin thôi
giữ chức vụ quản lý của viên chức, Phòng Tổ chức - Hành chính (Văn phòng) hoặc
Thủ trưởng đơn vị trao đổi và nghe ý kiến của viên chức xin thôi giữ chức vụ quản
lý.
a) Trường hợp viên chức rút đơn thì dừng việc xem
xét.
b) Trường hợp viên chức không rút đơn, chậm nhất
sau 15 ngày kể từ ngày Phòng Tổ chức - Hành chính (Văn phòng) tổng hợp kết quả
làm việc nêu trên, có văn bản báo cáo tập thể lãnh đạo, cấp ủy đơn vị xem xét,
thảo luận và biểu quyết bằng phiếu kín. Việc giải quyết cho viên chức được thôi
giữ chức vụ quản lý phải được trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo, cấp
ủy đồng ý; trường hợp đạt tỷ lệ 50% thì do Thủ trưởng đơn vị xem xét đề xuất.
Trên cơ sở kết quả biểu quyết, Thủ trưởng đơn vị có văn bản báo cáo BHXH Việt
Nam (qua Vụ Tổ chức cán bộ) xem xét, phê duyệt. Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp kết
quả làm việc nêu trên và lấy ý kiến của Phó Tổng Giám đốc phụ trách đơn vị,
trình Tổng Giám đốc xem xét, phê duyệt.
Trên cơ sở văn bản phê duyệt của BHXH Việt Nam, Thủ
trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc ban hành quyết định thôi giữ chức vụ đối với
viên chức quản lý.
3.3. Đối với Trưởng phòng thuộc BHXH tỉnh và
Giám đốc BHXH huyện.
Chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày nhận đơn xin thôi
giữ chức vụ của viên chức quản lý, Phòng Tổ chức cán bộ trao đổi và nghe ý kiến
của viên chức quản lý xin thôi giữ chức vụ.
a) Trường hợp viên chức rút đơn thì dừng việc xem
xét.
b) Trường hợp viên chức không rút đơn, chậm nhất
sau 15 ngày kể từ ngày Phòng Tổ chức cán bộ tổng hợp kết quả làm việc nêu trên,
có văn bản báo cáo tập thể lãnh đạo, cấp ủy BHXH tỉnh xem xét, thảo luận và biểu
quyết bằng phiếu kín. Việc giải quyết cho viên chức được thôi giữ chức vụ quản
lý phải được trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo, cấp ủy đồng ý; trường
hợp đạt tỷ lệ 50% thì do Giám đốc BHXH tỉnh xem xét. BHXH tỉnh có văn bản báo
cáo BHXH Việt Nam xem xét, phê duyệt.
Trên cơ sở văn bản phê duyệt của BHXH Việt Nam,
Giám đốc BHXH tỉnh ban hành quyết định thôi giữ chức vụ đối với viên chức quản
lý.
3.4. Đối với Phó Trưởng phòng thuộc BHXH tỉnh và
Phó Giám đốc BHXH huyện và Tổ trưởng, Phó Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ thuộc BHXH huyện.
Chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày nhận đơn xin thôi
giữ chức vụ quản lý của viên chức, Phòng Tổ chức cán bộ trao đổi và nghe ý kiến
của viên chức quản lý xin thôi giữ chức vụ quản lý.
a) Trường hợp viên chức rút đơn thì dừng việc xem
xét.
b) Trường hợp viên chức không rút đơn, chậm nhất
sau 15 ngày kể từ ngày Phòng Tổ chức cán bộ tổng hợp kết quả làm việc nêu trên,
có văn bản báo cáo tập thể lãnh đạo, cấp ủy BHXH tỉnh xem xét, thảo luận và biểu
quyết bằng phiếu kín. Việc giải quyết cho viên chức được thôi giữ chức vụ quản
lý phải được trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo, cấp ủy đồng ý; trường
hợp đạt tỷ lệ 50% thì do Giám đốc BHXH tỉnh xem xét quyết định theo phân cấp và
phân công công tác đối với viên chức vị trí việc làm phù hợp, đồng thời báo cáo
về BHXH Việt Nam để tổng hợp theo dõi.
4. Viên chức quản lý xin thôi giữ chức vụ quản lý
nhưng chưa được Thủ trưởng đơn vị hoặc cấp có thẩm quyền đồng ý thì vẫn phải tiếp
tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
5. Hồ sơ xem xét cho viên chức thôi giữ chức vụ quản
lý:
a) Tờ trình của bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ;
b) Các văn bản có liên quan: Quyết định, văn bản kết
luận, ý kiến của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, đơn đề nghị của viên chức;
c) Biên bản hội nghị và biên bản kiểm phiếu.
6. Chế độ, chính sách đối với viên chức thôi giữ chức
vụ.
Viên chức quản lý sau khi có quyết định cho thôi giữ
chức vụ được bố trí công tác phù hợp với năng lực, sở trường, trình độ, chuyên
môn, nghiệp vụ được đào tạo phù hợp với vị trí việc làm; được bảo lưu phụ cấp
chức vụ hiện hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn bổ sung để Giám
đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị trực
thuộc biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- TGĐ và các Phó TGĐ;
- Lưu VT, TCCB (10b).
|
TỔNG GIÁM ĐỐC
Nguyễn Thế Mạnh
|