Xóa bỏ phí "bôi trơn" 25/03/2021 16:25 PM

Chế tài nào với cán bộ, công chức 'ngâm hồ sơ' của dân?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
25/03/2021 16:25 PM

Không phải ngẫu nhiên mà việc cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính cần phải được đẩy mạnh, bởi nhiều địa phương khi cán bộ công chức giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp đã để xảy ra tình trạng kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ hơn so với luật định (ngâm hồ sơ).

Chúng ta có thể lấy ví dụ thực tế về việc ngâm hồ sơ tại Thành phố Hồ Chí Minh như dưới đây:

Tại Hội nghị tổng kết công tác chăm lo Tết Nguyên đán 2021 hôm 18.2 tại TP.HCM, khi bàn về các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư TP trong năm 2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) than phiền vẫn còn tình trạng “ngâm” hồ sơ.

“Thời gian quy định điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư có 10 ngày nhưng Sở KH-ĐT hẹn 30 ngày. Theo quy định của luật Đầu tư thì không phải lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, tuy nhiên Sở KH-ĐT lại lấy ý kiến khiến thủ tục kéo dài. Có những vướng mắc không giải quyết một lần mà giải quyết từng đoạn, rất là kéo dài”, ông Phong nói và cho biết các trường hợp tương tự xảy ra rất nhiều ảnh hưởng đến môi trường đầu tư... (Nguồn: Thanh niên)

Lý do dẫn đến tình trạng "ngâm" hồ sơ thì có rất nhiều, nhưng liên quan trực tiếp tới cán bộ, công chức thì tác giả muốn đề cập đến 02 lý do, khi đã biết được lý do thì sẽ xác định được chế tài xử lý:

(1) Lợi dụng vị trí công tác, "ngâm" hồ sơ để vụ lợi

Phí “bôi trơn” không còn là điều gì quá xa lạ ở Việt Nam, có những cán bộ công chức sẵn sàng ngâm hồ sơ để ngầm đòi loại phí này, nếu công dân không chủ động đưa thì gây khó dễ, thậm chí không làm kết quả là ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết thủ tục hành chính.

Chúng ta có thể chia các trường hợp:

- Hành vi "ngâm" hồ sơ không dẫn đến hệ quả người dân đưa tiền - cán bộ, công chức nhận tiền thì:

+ Nếu số tiền đưa - nhận dưới 2 triệu đồng, chưa từng bị xử lý lý kỷ luật thì bị xử lý kỷ luật về hành vi "Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi" theo quy định tại Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020.

+ Nếu số tiền đưa - nhận từ 2 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng những đã bị xử lý kỷ luật mà vẫn vi phạm thì có thể bị khởi tố tội nhận hối lộ.

Điều 354. Tội nhận hối lộ - Bộ Luật hình sự 2015

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

- Nếu hành vi "ngâm" hồ sơ không dẫn đến hệ quả người dân đưa tiền - cán bộ, công chức nhận tiền nhưng gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của người dân vì không thực hiện được đúng hạn thủ tục hành chính thì có thể xem xét dưới góc độ hình sự về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

(2) Năng lực công tác yếu kém

Năng lực của cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc ngâm hồ sơ. Khi mà năng lực không đủ thì việc giải quyết hồ sơ sẽ bị chậm.

Vấn đề này, hiện hành không có quy định trực tiếp điều chỉnh nhưng Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định "Cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cho thôi việc đối với công chức có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ".

Việc đánh giá xếp loại công chức hàng năm được thực hiện theo quy định tại Nghị định 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020; trong đó:

Điều 7. Tiêu chí xếp loại chất lượng cán bộ ở mức không hoàn thành nhiệm vụ

Cán bộ có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:

1. Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền.

2. Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ngành, lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành dưới 50% các chỉ tiêu, nhiệm vụ.

4. Cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp liên quan đến tham ô, tham nhũng, lãng phí và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.

Điều 11. Tiêu chí xếp loại chất lượng công chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ

1. Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:

a) Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền;

b) Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả;

c) Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.

2. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:

a) Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền;

b) Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả;

c) Cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành dưới 50% các chỉ tiêu, nhiệm vụ;

d) Cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp liên quan đến tham ô, tham nhũng, lãng phí và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

đ) Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.

Ngoài ra với các lý khác mà chưa đến mức bị xử lý hình sự thì cán bộ, công chức sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng theo quy định tại Nghị định 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020.

Quý Nguyễn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 30,898

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]