Phí “bôi trơn” là cụm từ mà người ta dùng để gọi các khoản chi phí không chính thức mà nhiều tổ chức, cá nhân chấp nhận bỏ ra khi làm việc với cơ quan nhà nước ngoài các khoản chi phí chính thức được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật.
Ví dụ như một cá nhân đi làm KT3, vì số lượng hồ sơ nhiều nên thời gian trả sổ lâu; muốn làm nhanh nên chủ động đưa phong bì từ vài trăm đến cả triệu đồng cho cán bộ làm thủ tục.
Theo Báo cáo PCI 2019 được Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào tháng 5/2020 thì:
Báo cáo PCI 2019 |
Điều tra PCI 2019 ghi nhận chung:
- Tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại “tình trạng chạy án” là phổ biến trong hoạt động tố tụng qua tòa án chỉ còn 21,6%, giảm đáng kể từ con số 31,6% của năm 2017 và 28,8% của năm 2018.
- Năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “chi trả ‘hoa hồng’ là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” chỉ còn là 41,2%, tiếp tục giảm so với con số 48,4% của năm 2018 và mức 54,9% của năm 2017.
- Năm 2019 có 54,1% doanh nghiệp phản ánh về việc tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ nhà nước địa phương giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, giảm so với con số 58,2% của năm 2018.
- Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức trong điều tra PCI 2019 chỉ là 53,6%, mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây.
Thực trạng chi tiết ở một số lĩnh vực
- 48% doanh nghiệp FDI thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng trong năm 2019 đã chi trả thêm trung bình khoảng 24 triệu VND chi phí không chính thức để nhận được giấy phép này. Quan trọng là, các con số này có thể chưa phản ánh đúng mức chi phí thực tế, chưa tính đến các doanh nghiệp FDI đã bỏ qua việc xin cấp giấy phép xây dựng do lo ngại phải mất thêm chi phí không chính thức.
- Năm 2016, 45,8% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra. Con số này đã giảm xuống 44,9% năm 2017, 39,9% năm 2018, và xuống còn 32,5% năm 2019.
- Tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu cũng giảm từ mức 56,4% năm 2016 xuống 42,5% năm 2019.
- Hơn một phần năm số doanh nghiệp FDI đã chi trả chi phí không chính thức trong các giao dịch đất đai năm 2016. Năm 2019, tỷ lệ này tăng ba điểm phần trăm so với năm 2018, song đã giảm gần một nửa so với kết quả điều tra năm 2016.
Thông qua một số số liệu tại Báo cáo PCI thì chúng ta có thể thấy tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ doanh nghiệp chi trả phí “bôi trơn” đã giảm dần (tỷ lệ 53,6 % trong số các doanh nghiệp được khảo sát trong năm 2019) thể hiện sự nổ lực của chính quyền các địa phương trong việc cải thiện thủ tục hành chính, cắt giảm các khoản chi phí không chính thức. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn khá cao và cần tăng cường công khai, minh bạch hơn nữa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh thực chất hơn.
Báo cáo PCI 2019 được thực hiện dựa trên dữ liệu: - Điều tra thường niên trên 8.500 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Số lượng doanh nghiệp dân doanh tham gia phản hồi điều tra năm 2019 là 8.773 doanh nghiệp. - Điều tra thường niên trên 2.000 doanh nghiệp mới thành lập. - Điều tra thường niên trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) từ 21 tỉnh, thành phố là các địa phương có số doanh nghiệp FDI nhiều nhất tại Việt Nam. Những doanh nghiệp FDI này cũng được chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng. Tỷ lệ phản hồi chung của điều tra này là 26%. |
Quý Nguyễn