Câu chuyện nhiều người cùng đi làm thủ tục đăng ký tạm trú, thường trú đều thiếu hồ sơ, giấy tờ liên quan thì có người được hướng dẫn tận tình để bổ sung làm ngay, nhưng cũng có người nhận lấy lời hướng dẫn là “thiếu cái này, cái kia, phải đủ mới làm được”, và cũng có người chỉ viết sai tờ khai một chữ lại bị bắt viết lại toàn bộ tờ khai, viết xong thì hết giờ làm việc…Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả không giống nhau trong các trường hợp như trên, và trong đó không ít trường hợp xuất phát từ việc có đưa phong bì hay không, phong bì ít hay nhiều tiền. Đơn cử, có người còn chỉ nhau rằng: “Cứ đưa cho công an khu vực vài xị để đăng ký tạm trú cho nhanh, không đưa thì lên nó bảo thiếu cái này thiếu cái kia; hoặc đợi em chút, đợi xong thì lại bảo hết giờ làm việc, hẹn sang buổi chiều hoặc mai, mai lên thì bảo bận họp, đi công tác… cứ như vậy là mình phải xin nghỉ phép nhiều ngày, tốn kém hơn nhiều so với việc chi vài xị lúc đầu”.
Đối với những người không có tiền để trả phí ‘bôi trơn’ hoặc cương quyết chống tiêu cực đến cùng khi đi làm thủ tục hành chính thì không ít trường hợp bị làm khó như trên, nhiều người tốn thời gian, bị chậm trễ trong việc cấp phép, gây thiệt hại về tài chính… thì phải làm sao? Đây là câu hỏi chính đáng và cần lời đáp chuẩn xác nhằm chống tiêu cực, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của những công dân gương mẫu, chính trực.
Phí bôi trơn (Ảnh minh họa)
Theo tôi, tạm thời trong giai đoạn này (pháp luật chưa có sự chỉnh sửa về vấn đề này) thì người dân cần lưu ý những nội dung sau đây:
Trước tiên, khi đi làm thủ tục hành chính chúng ta phải tìm hiểu rõ về thành phần hồ sơ, trình tự thực hiện nhằm đảm bảo đúng quy định, tránh bị cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ làm khó. Trong trường hợp mình thiếu thì yêu cầu bộ phận hướng dẫn công dân nói rõ, bạn có thể ghi âm lại để dự phòng sau này họ làm khó thì có bằng chứng để khiếu nại, tố cáo…
Thứ hai, đối với trường hợp bạn đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thực hiện đúng như quy định của pháp luật nhưng người tiếp nhận hồ sơ vẫn cố ý gây khó, hoặc phía cơ quan Nhà nước giam hồ sơ của bạn (bạn không biết chính xác là ai làm việc này) dẫn đến chậm trễ trong việc trả kết quả hành chính và gây thiệt hại cho bạn thì bạn có thể khởi kiện cơ quan đó ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, bạn cần thu thập các bằng chứng để chứng minh họ chậm trễ làm thủ tục cho bạn, các thiệt hại thực tế mà bạn phải chịu.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh