Hiện nay, nhiều người với triết lý “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, do đó, khi đi làm thủ tục hành chính mong muốn hồ sơ của mình được tiếp nhận và giải quyết nhanh hơn, hoặc chí ít là đúng thời hạn luật định nên tự nguyện biếu quà, phong bì (có tiền) cho cán bộ, công chức.
Việc biếu quà ấy xuất phát từ sự tự nguyện của người dân, không hề có hành vi gợi ý hay đòi hỏi từ cán bộ, công chức. Do đó, không thể nói cán bộ, công chức có hành vi nhận hối lộ; tuy nhiên, dưới mức độ quy định của Đảng, quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức thì việc không từ chối nhận quà biếu của người dân có thể sẽ bị xử lý kỷ luật.
Phí bôi trơn (Ảnh minh họa)
Ở một góc nhìn “thoáng”, việc nhận quà biếu từ người dân và thực hiện công việc đúng quy định của pháp luật thì hoàn toàn có lợi cho người dân. Việc làm đấy sẽ tốt hơn rất nhiều so với những kẻ không chịu nhận tiền của người dân nên không làm cho dân; hoặc có những kẻ muốn nhận tiền từ người dân nhưng không dám nói ra và người dân không biết nên không biếu quà thì lại gây khó dễ, chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính cho dân.
Thực tế, không ít người đi làm thủ tục hành chính nhưng không đưa quà biếu cho cán bộ, công chức thì bị bảo là thiếu cái này, thiếu cái kia, cần bổ sung thêm; đến khi mang đủ hồ sơ theo yêu cầu lại bị vẽ ra là thiếu cái khác. Thậm chí có trường hợp nộp đủ hồ sơ, không còn gì bắt bẻ nữa thì bảo lúc này hết giờ, mai lên nộp, mai lên nộp thì bảo lãnh đạo đi họp… và hàng loạt lý do khác gây chậm trễ cho người dân.
Có thể thấy hành vi ấy thể hiện ý chí muốn người dân đưa tiền để mọi việc diễn ra thuận tiện, nhưng cái ý chí (suy nghĩ) đó nằm bên trong não bộ của họ thì làm sao mà chứng minh được? Nếu người dân khiếu nại hay tố cáo thì họ ngụy trang bằng hàng loạt lớp lý do nêu trên. Dó đó, dù hành vi của cán bộ, công chức trong trường hợp này là không đúng quy định pháp luật nhưng không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội nhận hối lộ (vì họ chưa nhận hối lộ), và cũng chưa có chế tài nào về hành chính đối với họ.
Điều 354. Tội nhận hối lộ_Bộ luật Hình sự năm 2015 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Lợi ích phi vật chất. |
Theo tôi, trong trường hợp này, trước mắt cần vào vai trò lãnh đạo của Thủ trưởng của từng cơ quan, đơn vị; cần làm rõ những thủ tục hành chính đó gồm những giấy tờ gì, cử cán bộ, công chức hướng dẫn tận tình cho người dân, giám sát kỹ lưỡng việc làm đó của cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị mình nhằm tránh việc làm khó người dân. Đồng thời, người dân khi đi làm thủ tục hành chính không nên giữ suy nghĩ “xin – cho”, mà đó là quyền lợi chính đáng của mình, còn việc làm thủ tục hành chính cho mình là trách nhiệm của cán bộ, công chức; nếu họ nói thiếu gì, cần bổ sung giấy tờ gì là bảo họ hướng dẫn, trình bày một lượt, họ vẽ thêm thủ tục, giấy tờ khác một cách vô lý thì hỏi lại họ cơ sở pháp lý nào?
Về lâu dài, cần vào sự thay đổi quy trình làm việc, chế tài cụ thể đối với cán bộ, công chức có biểu hiện đòi phí “bôi trơn” từ người dân, cũng như cần phải xây dựng cơ sở pháp lý để người dân kiện đòi bồi thường thiệt hại trong những trường hợp cán bộ, công chức không làm tròn trọng trách của mình dẫn đến thiệt hại cho người dân (chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân). Về vấn đề này, sẽ được trình bày chi tiết trong các bài viết sau.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh