Tiêu chí nhận diện ‘báo hóa’ mạng xã hội

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
30/07/2022 14:00 PM

Pháp luật hiện hành đã phân định rõ chức năng của báo, mạng xã hội. Tuy nhiên, gần đây lại xuất hiện tình trạng “báo hóa” mạng xã hội. Vậy nhận diện “báo hóa” mạng xã hội bằng những tiêu chí nào?

Tiêu chí nhận diện ‘báo hóa’ mạng xã hội

Tiêu chí nhận diện ‘báo hóa’ mạng xã hội

1. Mạng xã hội là gì?

Theo khoản 22 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP thì mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.

2. Thế nào là “báo hóa” mạng xã hội

Theo Mục I Quyết định 1418/QĐ-BTTTT thì “báo hóa” mạng xã hội là việc mạng xã hội có hình thức trình bày, đưa nội dung thông tin với danh nghĩa người dùng mạng xã hội nhưng thực chất được sản xuất, sao chép như tác phẩm báo chí gây hiểu lầm là báo điện tử.

3. Tiêu chí nhận diện “báo hóa” mạng xã hội

Tiêu chí nhận diện “báo hóa” mạng xã hội được quy định tại Mục III Quyết định 1418/QĐ-BTTTT, cụ thể:

(1) Về hình thức: Trình bày thể hiện gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí.

- Tên miền sử dụng từ ngữ gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí như: Báo, Tạp chí, Tin, Tin tức, News, Times, Online, Daily...

- Cách trình bày giao diện không ghi rõ là mạng xã hội mà chỉ ghi là cơ quan, tiếng nói, diễn đàn...

- Bố trí giao diện trang chủ của mạng xã hội thành các chuyên mục: Chính trị, xã hội, đời sống, văn hóa, giải trí... và đăng tải, tổng hợp các bài báo, hiển thị nội dung bài viết, tiêu đề, nội dung, chú thích ảnh, video-clip... như một tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp.

(2) Về nội dung:

Mạng xã hội không có người dùng tương tác, chia sẻ thông tin; đăng bài viết của thành viên quản trị với cách viết gây hiểu nhầm là các bài báo.

(3) Về kỹ thuật:

Mạng xã hội tự sản xuất tin bài như cơ quan báo chí nhưng đăng dưới dạng người dùng đăng tải (một trang không quá 20 tài khoản đăng tải).

(4) Về hoạt động:

Cử nhân viên tới cơ quan, đơn vị để thu thập tin tức, tài liệu để viết bài, sản xuất sản phẩm truyền thông như phóng viên, nhà báo tác nghiệp.

(5) Về nhân sự:

Mạng xã hội có số lượng nhân sự lớn, ký hợp đồng làm phóng viên.

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,274

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn