1. Tăng kinh phí thực hiện chế độ, chính sách khi lương cơ sở tăng
Thông tư 67/2017/TT-BTC hướng dẫn xác định nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng cán bộ xã tại Nghị định 76/2017/NĐ-CP .
Theo đó, do mức lương cơ sở sẽ tăng từ ngày 01/7/2017 nên kinh phí cần có để thực hiện các chế độ chính sách sau cũng sẽ tăng theo:
- Đóng bảo hiểm y tế cho thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; đóng bảo hiểm y tế cho thân nhân người làm công tác cơ yếu.
- Chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên các cấp và chế độ bồi dưỡng hàng tháng phục vụ hoạt động cấp ủy thuộc cấp tỉnh.
- Hoạt động phí của Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
- Hỗ trợ quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố theo mức khoán từ ngân sách trung ương (bao gồm kinh phí tăng thêm để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội).
Thông tư 67/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/8/2017.
2. Dự báo khí tượng thủy văn không đủ độ tin cậy sẽ bị phạt
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 84/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 173/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ.
Theo đó, bổ sung quy định khi các tổ chức, cá nhân có vi phạm về hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn như sau:
- Đối với hành vi ban hành bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn 3 lần liên tiếp trong 1 tháng không đủ độ tin cậy thì phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
+ Không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;
+ Không tuân thủ quy trình kỹ thuật, quy trình đánh giá chất lượng trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
Nghị định 84/2017/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 10/9/2017.
3. Các chế độ dành cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực từ ngày 04/10/2017.
Theo đó, người tham gia cứu nạn, cứu hộ bị ốm đau, tai nạn thì được hưởng chế độ về ốm đau, tai nạn lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 30/2017/NĐ-CP trong trường hợp sau:
- Bị ốm đau, tai nạn trong thực hiện nhiệm vụ tại nơi làm việc kể cả trong và ngoài giờ hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Bị ốm đau, tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm nhiệm vụ khi có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú;
- Đối với trường hợp tự hủy hoại sức khỏe, sử dụng chất kích thích hoặc chất ma túy, tiền chất ma túy thì không giải quyết chế độ ốm đau.
Chế độ nêu trên được áp dụng từ khi được huy động, bắt đầu đi thực hiện nhiệm vụ đến khi hoàn thành, về đến nơi cư trú.
Quyết định 44/2012/QĐ-TTg hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định 83/2017/NĐ-CP có hiệu lực.
4. Chiều cao bình quân của thanh niên 18 tuổi ở Việt Nam đến 2020
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1042/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016 - 2020).
Theo đó, mục tiêu nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, kỹ năng sống cho thanh niên phấn đấu đến năm 2020 có một số nội dung đáng chú ý sau:
- Chiều cao bình quân của thanh niên 18 tuổi ở Việt Nam là 1m 67 (nam) và 1m 56 (nữ).
- 70% thanh niên, vị thành niên được trang bị kiến thức, kỹ năng về sức khỏe, sinh sản, tình dục và giảm 70% tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên so với năm 2015.
- Trên 80% thanh niên dân tộc thiểu số, di cư được tiếp cận với thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục.
- 70% thanh niên được trang bị kiến thức về kỹ năng sống, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới.
Xem chi tiết tại Quyết định 1042/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 17/7/2017.