Trong tuần qua (từ ngày 06 – 12/3/2017), THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã cập nhật được một số văn bản mới quan trọng thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo như sau:
Danh sách toàn bộ văn bản mới cập nhật được từ ngày 06 đến ngày 12/3/2017
1. Quy chế tuyển sinh trung cấp, cao đẳng năm 2017
Quy chế này được ban hành vào ngày 02/3/2017 kèm theo Thông tư 05/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Theo đó:
- Thời gian tuyển sinh được thực hiện một hoặc nhiều lần trong năm;
- Thí sinh có thể đăng ký dự tuyển vào một hoặc nhiều trường thông qua phiếu đăng ký tuyển sinh, mẫu phiếu đăng ký tuyển sinh do các trường phát hành và đăng tải trên trang thông tin điện tử của đơn vị;
- Hồ sơ đăng ký dự tuyển gồm Phiếu đăng ký tuyển sinh và bản sao hợp lệ các loại giấy tờ cần thiết khác tùy theo yêu cầu và tiêu chí xét tuyển hoặc thi tuyển của từng trường.
Xem thêm Phụ lục I của Thông tư 05/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 15/4/2017) về các chính sách ưu tiên khi tuyển sinh.
2. Bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 06/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ban hành ngày 08/3/2017.
Theo đó, nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được cử đi bồi dưỡng sẽ được hưởng nguyên lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Các loại hình bồi dưỡng gồm:
- Bồi dưỡng chuẩn hóa cho nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và những nội dung khác theo quy định của pháp luật.
- Bồi dưỡng nâng cao cho nhà giáo để nâng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học, tiến bộ khoa học, công nghệ và những nội dung khác nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nghề nghiệp.
- Thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn để cập nhật kiến thức, công nghệ, phương pháp tổ chức quản lý sản xuất và rèn luyện kỹ năng trong thực tiễn, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Thông tư 06/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2017.
3. Chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
Nội dung này được quy định tại Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH về chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
So với quy định hiện hành, Thông tư 07 có một số điểm mới như sau:
- Một giờ dạy tích hợp (kết hợp cả lý thuyết và thực hành) là 60 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn (quy định hiện hành là 45 phút);
- Thời gian học tập, bồi dưỡng là 08 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; 04 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp ( quy định hiện tại là 12 tuần đối với cao đẳng; 8 tuần đối với trung cấp);
- Về chế độ giảm định mức giờ giảng, nhà giáo kiêm phụ trách thư viện: Được giảm từ 15% đến 30% định mức giờ giảng (quy định hiện hành chỉ có 15%).
Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017.
4. Chuẩn năng lực chuyên môn của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
Ngày 10/3/2017, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, chuẩn về chuyên môn của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng vẫn xét trên 3 tiêu chí gồm: năng lực chuyên môn; năng lực sư phạm và năng lực phát triển nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học.
Một số điểm đáng lưu ý về năng lực chuyên môn như sau:
- Đối với nhà giáo dạy lý thuyết chuẩn năng lực chuyên môn yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành hoặc đại học sư phạm chuyên ngành trở lên, phù hợp với ngành, nghề giảng dạy;
- Có trình độ ngoại ngữ Bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT ;
- Có trình độ tin học đạt Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT .
Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2017.