1. Địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp từ 24/6/2022
Quyết định 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) có hiệu lực từ ngày 24/6/2022;
Theo đó, địa bàn được hỗ trợ phí BHNN tại các tỉnh quy định như sau:
- Đối với cây trồng:
+ Cây lúa: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp;
+ Cây cao su: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai;
+ Cây cà phê: Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước;
+ Cây hồ tiêu: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu;
+ Cây điều: Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai.
- Đối với vật nuôi:
+ Trâu, bò: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương;
+ Lợn: Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai.
- Đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
2. 03 hình thức doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị sản xuất, chế biến
Thông tư 06/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn Nghị định 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực từ ngày 25/6/2022.
Theo đó, DNNVV tham gia chuỗi giá trị sản xuất, chế biến theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 80/2021/NĐ-CP gồm các hình thức:
- Là doanh nghiệp đầu chuỗi (DNĐC) được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Đang thực hiện hợp đồng mua, bán sản phẩm, dịch vụ hoặc hợp đồng hợp tác, liên kết với DNĐC;
- Được các DNĐC hoặc cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV đánh giá có tiềm năng trở thành nhà cung ứng cho DNĐC.
Cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV sử dụng bộ công cụ đánh giá DNNVV tiềm năng do Bộ KH&ĐT công bố tại Cổng thông tin hoặc tham khảo danh sách các DNNVV tiềm năng đăng tải trên Cổng thông tin để lựa chọn DNNVV.
3. Phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục kiến thức PCCC cho học sinh, sinh viên
Thông tư 06/2022/TT-BGDĐT hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục có hiệu lực từ ngày 26/6/2022.
Theo đó, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục kiến thức, kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ quy định như sau:
- Giáo dục mầm non:
+ Lồng ghép thông qua các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ;
+ Sử dụng phương pháp giáo dục trực quan, minh họa thông qua hoạt động giáo dục phát triển thể chất.
- Giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên:
+ Lồng ghép trong nội dung các bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa;
+ Thông qua các hoạt động: trải nghiệm, trải nghiệm - Hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống và trong các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè.
- Giáo dục đại học:
+ Lồng ghép trong môn học giáo dục quốc phòng an ninh và các hoạt động ngoại khóa;
+ Phối hợp với các đơn vị có chức năng trong công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ tổ chức hoạt động đào tạo, thực hành, diễn tập phù hợp với nội dung chương trình đào tạo của các nhà trường.
4. Quy định áp dụng pháp luật khi giải quyết khiếu nại trong CAND
Thông tư 23/2022/TT-BCA về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong công an nhân dân (CAND) có hiệu lực từ ngày 30/6/2022.
Theo đó, việc áp dụng pháp luật giải quyết khiếu nại trong CAND quy định đơn cử như sau:
- Việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của CAND đối với khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam được áp dụng theo Luật Khiếu nại 2011 , Nghị định 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 và Thông tư 23/2022/TT-BCA , trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác;
- Việc giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự, thi hành án hình sự thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và thi hành án hình sự;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, học viên CAND có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật với cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong CAND theo quy định của Luật Khiếu nại 2011 và Thông tư 23/2022/TT-BCA nhưng không được khởi kiện tại Tòa án hành chính,…