1. Xét công nhận doanh nghiệp ưu tiên về hải quan chỉ trong 30 ngày
Thông tư 07/2019/TT-BTC sửa đổi Thông tư 72/2015/TT-BTC về áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.
Theo đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên, Tổng cục Hải quan phải thẩm định, kết luận về việc công nhận doanh nghiệp ưu tiên.
Đối với các trường hợp phức tạp, cần lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan thì thời gian thẩm định có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
Hoạt động thẩm định được tiến hành qua hai giai đoạn gồm thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế tại doanh nghiệp.
Thông tư cũng đồng thời bổ sung quy định về gia hạn áp dụng chế độ ưu tiên khi thực hiện thủ tục hải quan so với quy định hiện hành.
Xem chi tiết quy trình thẩm định tại Thông tư 07/2019/TT-BTC (có hiệu lực thi hành từ ngày 28/3/2019).
Lưu ý: Hiệu lực của Thông tư 07/2019/TT-BTC được đính chính tại Quyết định 296/QĐ-BTC ngày 27/02/2019.
Cụ thể, Thông tư 07/2019/TT-BTC chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 28/3/2019 thay vì có hiệu lực từ ngày 28/01/2019.
Quyết định 296/QĐ-BTC bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/3/2019 và là một phần không tách rời của Thông tư 07.
2. Quy định về quyền điều động phương tiện ứng phó thiên tai
Ngày 11/01/2019, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 03/2019/TT-BGTVT về phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ.
Theo đó, quy định chi tiết về thẩm quyền điều động phương tiện, vật tư dự phòng để ứng phó với thiên tai, cụ thể là:
- Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Giao thông vận tải, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN Tổng cục Đường bộ Việt Nam điều động vật tư, phương tiện, trang thiết bị dự phòng thuộc phạm vi quản lý để:
+ Phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên hệ thống quốc lộ;
+ Hoặc hỗ trợ, chi viện cho các địa phương theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai;
- Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ có quyền điều động vật tư, phương tiện, trang thiết bị dự phòng thuộc phạm vi quản lý để phục vụ ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên quốc lộ được giao quản lý;
- Giám đốc Sở Giao thông vận tải được điều động vật tư, phương tiện, trang thiết bị dự phòng thuộc phạm vi quản lý để phục vụ ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các hệ thống đường địa phương.
Thông tư 03/2019/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 28/3/2019 và thay thế Thông tư 30/2010/TT-BGTVT ngày 01/10/2010.
3. Đổi mới yêu cầu về chiều dài thực hiện nhiệm vụ tuần đường
Nội dung nổi bật này được đề cập tại Thông tư 04/2019/TT-BGTVT về tuần đường, tuần kiểm để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 28/3/2019).
Theo đó, chiều dài nhân viên tuần đường được giao thực hiện nhiệm vụ căn cứ quy mô, tính chất công trình, phương tiện di chuyển của nhân viên tuần đường nhưng không quá quy định sau:
- Đường cấp I và II: 25 km/người khi sử dụng phương tiện mô tô, xe máy để đi tuần đường;
- Đường cấp III: 30 km/người khi sử dụng mô tô, xe máy đi tuần đường;
- Đường các cấp IV, V và VI: 35 km/người đối với đường miền núi, 45 km/người đối với đường đồng bằng, trung du khi sử dụng mô tô, xe máy đi tuần đường;
- Khi sử dụng ô tô làm phương tiện di chuyển tuần đường, chiều dài giao nhân viên tuần đường được tăng thêm không quá 1,5 lần so với nhân viên đi tuần đường bằng xe máy.
Như vậy, quy định này đã bỏ quy định về chiều dài tối thiểu so với quy định tại Thông tư 47/2012/TT-BGTVT ngày 12/11/2012.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY