1. Thay thế toàn bộ biểu mẫu sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT sửa đổi Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
Ban hành kèm Thông tư này là 86 biểu mẫu gồm 41 mẫu văn bản quy định cho doanh nghiệp/hộ kinh doanh và 45 mẫu văn bản quy định cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Đồng thời, Thông tư cũng sửa đổi một số quy định tại Thông tư 20 cho phù hợp với Nghị định 108/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018.
Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT sẽ có hiệu lực từ ngày 11/3/2019.
2. Điều kiện cấp GCN doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN)
Theo Nghị định 13/2019/NĐ-CP thì doanh nghiệp thực hiện việc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ kết quả KH&CN được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN nếu đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp;
(2) Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này;
(3) Có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.
Doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm chỉ cần đáp ứng hai điều kiện (1) & (2) để được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN.
Giấy chứng nhận này sẽ là căn cứ để thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Nghị định 13/2019/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 20/3/2019.
3. Điểm mới về thủ tục cấp giấy phép kinh doanh karaoke
Nghị định 11/2019/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định có quy định TTHC liên quan đến yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực do Bộ VH-TT&DL quản lý sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3/2019.
Theo đó, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh karaoke gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh karaoke trong đó ghi rõ địa điểm kinh doanh, số phòng, diện tích từng phòng;
- GCN đăng ký doanh nghiệp/GCN đăng ký hộ kinh doanh:
+ Nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp);
+ Nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp qua bưu điện).
(Quy định hiện hành bắt buộc phải là bản sao công chứng hoặc chứng thực khi thực hiện thủ tục).
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở VH-TT&DL hoặc UBND cấp huyện được phân cấp có trách nhiệm cấp giấy phép; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
4. Cơ quan đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước
Theo Nghị định 10/2019/NĐ-CP thì cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên là (Sau đây gọi chung là Doanh nghiệp):
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh đối với:
+ Doanh nghiệp do Bộ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc được giao quản lý;
Các doanh nghiệp này không thuộc đối tượng chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
+ Doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trong thời gian chưa chuyển giao.
- Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp được chuyển giao từ các Bộ, UBND tỉnh theo quy định của pháp luật.
Nghị định 10/2019/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3/2019.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY