1. Điều kiện kinh doanh hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp
Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất chính thức có hiệu lực từ ngày 25/11/2017.
Theo đó, quy định về điều kiện kinh doanh hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp như sau:
- Là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật, có ngành nghề kinh doanh hóa chất;
- Cơ sở vật chất - kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu trong kinh doanh theo quy định tại Điều 12 của Luật hóa chất; Điều 4; khoản 2 Điều 5; khoản 1, khoản 2 Điều 6 của Nghị định này;
- Địa điểm, diện tích kho chứa phải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn KTQG;
- Có cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh, nơi bày bán đảm bảo các yêu cầu về an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ;
- Vật chứa, bao bì lưu trữ hóa chất phải bảo đảm được chất lượng và vệ sinh môi trường; phương tiện vận chuyển hóa chất phải tuân thủ theo quy định;
- Có kho chứa hoặc có hợp đồng thuê kho chứa hóa chất hoặc sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất đáp ứng được các điều kiện về bảo quản an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ;
- Người phụ trách về an toàn hóa chất của cơ sở kinh doanh hóa chất phải có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất;
- Các đối tượng quy định tại Điều 32 của Nghị định này phải được huấn luyện an toàn hóa chất.
2. Phí thẩm định điều kiện đăng ký hoạt động của DN đấu giá tài sản
Thông tư 106/2017/TT-BTC quy định mức phí thẩm định điều kiện đăng ký hoạt động của DN đấu giá tài sản như sau:
- Cấp mới Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật đấu giá tài sản 2016 là 1.000.000 đồng/hồ sơ;
- Cấp mới Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản trước khi Luật đấu giá tài sản 2016 có hiệu lực là 500.000 đồng/hồ sơ;
- Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản là 500.000 đồng/hồ sơ.
Thông tư 106/2017/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/11/2017.
3. Giá tính tiền để được cấp quyền khai thác khoáng sản
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 38/2017/TT-BTNMT (có hiệu lực từ ngày 30/11/2017) về quy định phương pháp quy đổi từ giá tính thuế tài nguyên để xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Theo đó, công thức xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (G, đơn vị tính là đồng/đơn vị trữ lượng) được quy định như sau:
G = Gtn x Kqđ
Trong đó:
- Gtn là giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có hiệu lực tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (đơn vị tính là đồng/đơn vị sản phẩm tài nguyên);
- Kqđ là hệ số quy đổi được xác định từ giá tính thuế tài nguyên sang giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
4. Công tác thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo
Thông tư 18/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, việc tổ chức thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trong giai đoạn này được thực hiện như sau:
- Thông báo các nội dung của dự án đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, doanh nghiệp, hợp tác xã và các đối tượng khác có liên quan (nếu có) được tham gia dự án;
- Triển khai thực hiện các nội dung hoạt động của dự án đảm bảo tiến độ và hiệu quả;
- Phân công cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trong suốt quá trình thực hiện dự án;
- Tổng hợp, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện dự án về UBND cấp huyện.
Thông tư 18/2017/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 27/11/2017.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY