1. Công chức phải đền 100% chi phí nếu được cử đi đào tạo mà không được cấp bằng
Đây là quy định mới nổi bật tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan nhưng không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp phải trả 100% chi phí đền bù.
Như vậy, mức chi phí đền bù đối với đối tượng này đã tăng lên gấp đôi (theo quy định hiện hành tại Điểm b Khoản 2 Điều 26 Thông tư 03/2011/TT-BNV thì chỉ đền bù 50%).
Xem thêm các quy định khác về chi phí đền bù và cách tính chi phí đền bù tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 21/10/2017).
2. Thời gian quân nhân chuyên nghiệp không được tính hưởng phụ cấp thâm niên
Từ ngày 28/10/2017, Thông tư 224/2017/TT-BQP về hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, các khoản thời gian dưới đây sẽ không được tính vào thời gian hưởng phụ cấp thâm niên đối với quân nhân chuyên nghiệp, cụ thể:
- Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử; thời gian chấp hành hình phạt tù giam; thời gian đào ngũ;
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Như vậy, Thông tư 224 đã giảm bớt một số trường hợp không được tính hưởng phụ cấp thâm niên so với Thông tư 08/2015/TT-BQP ngày 02/3/2015.
3. Bổ sung điều kiện mở ngành đào tạo đối với ĐH ngoài công lập
Đây là quy định mới đáng chú ý tại Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 23/10/2017) quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học.
Theo đó, để mở ngành đào tạo mới, các cơ sở đào tạo ngoài công lập phải có tối thiểu 40% giảng viên cơ hữu giảng dạy ngành đăng ký đào tạo trong độ tuổi lao động bên cạnh việc bảo đảm các điều kiện chung.
Ngoài ra, Thông tư 22 còn đưa ra một số quy định sửa đổi, bổ sung điều kiện về số lượng, chất lượng, trình độ giảng viên.
4. Công bố giá bán điện của dự án điện mặt trời trên mái nhà
Từ ngày 26/10/2017, Thông tư 16/2017/TT-BCT quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, giá mua điện tại điểm giao nhận điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 2.086 đồng/kWh.
Giá điện cho năm tiếp theo sẽ được điều chỉnh theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày làm việc cuối cùng của năm trước.
Giá điện này được áp dụng cho phần nhà máy điện mặt trời mái nhà có ngày vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Ngoài ra, các dự án điện mặt trời trên mái nhà áp dụng giá bán điện theo quy định này sẽ không được áp dụng cơ chế hỗ trợ giá cho sản lượng điện của dự án theo các quy định khác.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY