1. Người nhận Bằng khen của Thủ tướng được thưởng 3,5 lần lương cơ sở
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 91/2017/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật thi đua, khen thưởng có hiệu lực từ ngày 01/10/2017.
Theo đó, thay đổi mức tiền thưởng đối với một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng dành cho tập thể, cá nhân so với quy định hiện hành tại Nghị định 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 như sau:
- Khen thưởng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” cho cá nhân được tặng Bằng và thưởng 3,5 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 1,5 lần);
- Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” đối với tập thể được tặng cờ và thưởng 12,0 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 24,5 lần);
- Danh hiệu Cờ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương được tặng cờ và thưởng 8,0 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 15,5 lần).
Đối với “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và “Giải thưởng Nhà nước” về khoa học và công nghệ; văn học nghệ thuật được cấp Bằng và mức thưởng cụ thể sau:
- “Giải thưởng Hồ Chí Minh” thưởng 270,0 lần mức lương cơ sở;
- “Giải thưởng Nhà nước” thưởng 170,0 lần mức lương cơ sở.
2. Công bố 20 loại hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước
Từ ngày 01/10/2017, Nghị định 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại chính thức có hiệu lực.
Theo đó, công bố Danh mục 20 loại hàng hóa, dịch vụ nhà nước độc quyền hoạt động thương mại, như là:
- Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh;
- Sản xuất vàng miếng;
- Phát hành xổ số kiến thiết;
- Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ trường hợp nhập khẩu để kinh doanh bán hàng miễn thuế);
- In, đúc tiền;
- Phát hành tem bưu chính Việt Nam;
- Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia...
3. Chế độ cho người được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ
Nghị định 83/2017/NĐ-CP về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực từ ngày 04/10/2017 thay thế Quyết định 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012.
Theo đó, người được huy động làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ như sau:
- Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước được trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, tiền đi đường, tàu xe, làm việc trong môi trường độc hại, nơi có phụ cấp khu vực được hưởng theo chế độ hiện hành;
Chi phí cho các khoản trên được tính vào ngân sách chi hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
- Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước và cán bộ, chiến sĩ Công an được trợ cấp ngày công lao động, bố trí nơi ăn, nghỉ, hỗ trợ phương tiện theo quy định tại Điểm a, b Điều 19 Nghị định 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017.
4. 06 trường hợp phải ban hành Quyết định xử lý VPHC mới
Nghị định 97/2017/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (VPHC) có hiệu lực từ ngày 05/10/2017.
Theo đó, người đã ban hành quyết định xử lý VPHC phải ban hành quyết định mới khi có các căn cứ sau:
- Vi phạm thẩm quyền, thủ tục xử lý VPHC;
- Ban hành quyết định xử phạt thuộc các trường hợp tại Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý VPHC;
- Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
- Có sai sót làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định;
- Quyết định giải quyết khiếu nại của người hoặc cơ quan có thẩm quyền được ban hành làm thay đổi căn cứ, nội dung của quyết định về xử lý VPHC;
- Có bản án, quyết định của Tòa án về việc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý VPHC bị khởi kiện.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY