Dẫn giải là gì? Đối tượng nào có thể bị áp dụng dẫn giải trong tố tụng hình sự?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
27/03/2024 13:30 PM

Xin cho tôi hỏi dẫn giải là gì? Đối tượng nào có thể bị áp dụng dẫn giải trong tố tụng hình sự? – Phương Nghi (Đồng Tháp)

Dẫn giải là gì? Đối tượng nào có thể bị áp dụng dẫn giải trong tố tụng hình sự?

Dẫn giải là gì? Đối tượng nào có thể bị áp dụng dẫn giải trong tố tụng hình sự? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Dẫn giải là gì?

Dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giám định.

(Điểm l khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

Đối tượng nào có thể bị áp dụng dẫn giải trong tố tụng hình sự?

Theo khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, dẫn giải có thể áp dụng đối với:

- Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

(Khoản 1 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

- Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

(Khoản 1 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

- Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Ngoài ra, nếu người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác có một trong các hành vi sau đây thì tuỳ mức độ vi phạm có thể bị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định dẫn giải theo quy định của luật:

- Làm giả, hủy hoại chứng cứ gây trở ngại cho việc giải quyết vụ việc, vụ án;

- Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật;

- Từ chối khai báo hoặc từ chối cung cấp tài liệu, đồ vật;

- Người giám định, người định giá tài sản kết luận gian dối hoặc từ chối kết luận giám định, định giá tài sản mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

- Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối;

- Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người bị hại tham gia tố tụng hoặc buộc người bị hại khai báo gian dối;

- Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định, người định giá tài sản thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định, người định giá tài sản kết luận sai với sự thật khách quan;

- Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch, người dịch thuật thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch, người dịch thuật dịch gian dối;

- Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia tố tụng;

- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; đe doạ, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

- Đã được triệu tập mà vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng;

- Ngăn cản việc cấp, giao, nhận hoặc thông báo văn bản tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Lưu ý: Không được bắt đầu việc dẫn giải người vào ban đêm; không được dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.

(Khoản 6 Điều 127 và Điều 446 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

Ai có quyền ra quyết định dẫn giải trong tố tụng hình sự?

Cụ thể, điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định dẫn giải.

Trong đó, quyết định dẫn giải phải ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị áp giải, dẫn giải; thời gian, địa điểm người bị áp giải, dẫn giải phải có mặt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, gồm:

- Số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành văn bản tố tụng;

- Căn cứ ban hành văn bản tố tụng;

- Nội dung của văn bản tố tụng;

- Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành văn bản tố tụng và đóng dấu.

(Khoản 3, 4 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 255

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn