Phòng xét xử thân thiện xét xử những vụ án gì?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
16/03/2024 15:30 PM

Xin cho tôi hỏi phòng xét xử thân thiện là gì? Phòng xét xử thân thiện xét xử những vụ án gì? - Minh Ngọc (Bình Dương)

Phòng xét xử thân thiện xét xử những vụ án gì? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Phòng xét xử thân thiện là gì?

Theo khoản 4 Điều 2 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC thì phòng xét xử thân thiện là Phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên quy định tại Điều 6 Thông tư 01/2017/TT-TANDTC của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án.

Theo đó, phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên được quy định như sau:

- Vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn; tường trong phòng xử án có màu xanh.

Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

- Bàn, ghế trong phòng xử án được thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng.

- Ngoài các quy định tại điều này, phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên phải bảo đảm quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư 01/2017/TT-TANDTC.

2. Phòng xét xử thân thiện xét xử những vụ án gì?

Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định về những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử tại Phòng xét xử thân thiện như sau:

- Những vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 4 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC thì xét xử tại Phòng xét xử thân thiện.

- Đối với các Tòa án chưa có Phòng xét xử thân thiện thì khi xét xử các vụ án quy định nêu trên, phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

Theo đó, nếu không thuộc các trường hợp sau thì sẽ xét xử ở Phòng xét xử thân thiện:

- Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng.

- Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm một trong các tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 151, 168, 169, 170, 171, 248, 249, 250, 251, 252 và 299 Bộ luật Hình sự 2015.

- Vụ án hình sự vừa có bị cáo là người dưới 18 tuổi vừa có bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên.

- Vụ án hình sự mà bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác.

3. Xét xử vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi được quy định thế nào?

- Khi xét xử vụ án hình sự quy định tại mục 2, Tòa án phải thực hiện các quy định sau đây:

(1) Phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi theo đúng quy định tại Thông tư 01/2017/TT-TANDTC;

(2) Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân (không mặc áo choàng);

(3) Việc tổ chức phiên tòa và bảo vệ phiên tòa thực hiện theo quy định tại Thông tư 02/2017/TT-TANDTC;

(4) Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

(5) Không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

- Khi xét xử vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi quy định tại Điều 4 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC, Tòa án phải thực hiện theo quy định tại các điểm (3), (4), (5).

(Điều 7 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 407

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn