Nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là mấy năm?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
22/06/2023 18:01 PM

Nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là mấy năm? Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố được hưởng chế độ, chính sách gì? – Như Ngọc (Bình Phước)

Nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là mấy năm?

Nhiệm kỳ của Trưởng thôn, nhiệm kỳ của Tổ trưởng tổ dân phố là mấy năm? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nhiệm kỳ của Trưởng thôn, nhiệm kỳ của Tổ trưởng tổ dân phố là mấy năm?

Nhiệm kỳ của Trưởng thôn, nhiệm kỳ của Tổ trưởng tổ dân phố như sau:

- Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố có nhiệm kỳ là 2,5 năm (hai năm rưỡi) hoặc 05 năm (năm năm) do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thống nhất và phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương.

- Trường hợp do thành lập thôn mới, tổ dân phố mới hoặc khuyết Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời để điều hành hoạt động của thôn, tổ dân phố cho đến khi bầu được Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trong thời hạn không quá sáu tháng kể từ ngày có quyết định cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời.

(Khoản 3 Điều 12 Thông tư 04/2012/TT-BNV, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV)

2. Chế độ, chính sách đối với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố

- Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; được hưởng phụ cấp hàng tháng, mức phụ cấp do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.

- Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn những kiến thức, kỹ năng cần thiết; nêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được biểu dương, khen thưởng; không hoàn thành nhiệm vụ, có vi phạm khuyết điểm, không được nhân dân tín nhiệm thì tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

(Điều 13 Thông tư 04/2012/TT-BNV)

3. Quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố

- Trên cơ sở thống nhất với Chi ủy Chi bộ, Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố đề cử danh sách để Hội nghị của thôn, tổ dân phố bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; tại hội nghị này, cử tri tại thôn, tổ dân phố có thể tự ứng cử hoặc giới thiệu người ứng cử. Căn cứ kết quả bầu cử, Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố. Thời điểm tổ chức bầu được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thực hiện theo quy định tại Chương 2 Nghị quyết liên tịch 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

(Khoản 1 Điều 12 Thông tư 04/2012/TT-BNV, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV)

4. Nhiệm vụ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố

Nhiệm vụ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố bao gồm:

- Triệu tập và chủ trì hội nghị thôn, tổ dân phố; tổ chức thực hiện những công việc thuộc phạm vi thôn, tổ dân phố đã được nhân dân bàn và quyết định; bảo đảm các nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2012/TT-BNV;

- Vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở và hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Tập hợp, phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thôn, tổ dân phố. Báo cáo kịp thời với Ủy ban nhân dân cấp xã về những hành vi vi phạm pháp luật trong thôn, tổ dân phố;

- Thực hiện việc lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và quyết định trực tiếp những công việc của thôn, tổ dân phố; lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và biểu quyết những công việc thuộc phạm vi cấp xã; báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Phối hợp với Ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội ở thôn, tổ dân phố để vận động nhân dân tham gia thực hiện các phong trào và cuộc vận động do các tổ chức này phát động;

- Sáu tháng đầu năm và cuối năm phải báo cáo kết quả công tác trước hội nghị thôn, tổ dân phố.

(Khoản 1 Điều 10 Thông tư 04/2012/TT-BNV, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,463

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn