Các trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
18/05/2023 13:00 PM

Cho tôi hỏi pháp luật quy định Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị từ chối cấp trong những trường hợp nào? - Thu Minh (Bình Dương)

Các trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Các trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là gì?

Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức thuộc nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp dựa trên quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó.

Trong đó, xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó. (Khoản 1 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP)

2. Các trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ chối cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng văn bản hoặc thông báo tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn hoặc trang điện tử khác của các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công Thương ủy quyền và nêu rõ lý do từ chối trong những trường hợp sau:

- Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa chưa thực hiện việc đăng ký hồ sơ thương nhân theo quy định tại Điều 13 Nghị định 31/2018/NĐ-CP.

- Hồ sơ, quy trình đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không tuân thủ theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 Nghị định 31/2018/NĐ-CP.

- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có mâu thuẫn về nội dung.

- Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không được khai bằng tiếng Anh, khai bằng mực màu đỏ, viết tay, bị tẩy xóa, chữ hoặc các dữ liệu thông tin mờ không đọc được, in bằng nhiều màu mực khác nhau.

- Hàng hóa không có xuất xứ hoặc không đáp ứng quy tắc xuất xứ.

- Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có gian lận về xuất xứ từ lần cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trước đó và vụ việc chưa được giải quyết xong.

- Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ, thông tin và tài liệu liên quan để chứng minh xuất xứ hàng hóa hoặc không hợp tác trong việc xác minh xuất xứ hàng hóa khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.

(Điều 21 Nghị định 31/2018/NĐ-CP)

3. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Căn cứ tại Điều 23 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có trách nhiệm như sau:

- Hướng dẫn thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp được đề nghị trợ giúp.

- Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ thương nhân và hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

- Tuân thủ quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

- Lưu trữ hồ sơ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp theo quy định tại Điều 30 Nghị định 31/2018/NĐ-CP.

- Phối hợp với Bộ Công Thương trong việc kiểm tra xác minh, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

- Đăng ký, cập nhật mẫu chữ ký của người có thẩm quyền ký Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và mẫu con dấu của cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo hướng dẫn của Bộ Công Thương để thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan hải quan của nước nhập khẩu và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Gửi báo cáo tình hình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và số liệu cấp các mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ở dạng văn bản hoặc dạng điện tử theo yêu cầu của Bộ Công Thương.

- Trả lời, giải đáp thắc mắc của thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Nguyễn Thị Hoài Thương

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,194

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn