Mã số vùng trồng là gì? Các nhiệm vụ trong công tác quản lý mã số vùng trồng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
05/04/2023 16:28 PM

Mã số vùng trồng là gì? Để góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý mã số vùng trồng thì cần thực hiện những nhiệm vụ gì? – Xuân Hưng (Thái Bình)

Mã số vùng trồng là gì? Các nhiệm vụ trong công tác quản lý mã số vùng trồng

Mã số vùng trồng là gì? Các nhiệm vụ trong công tác quản lý mã số vùng trồng (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Mã số vùng trồng là gì?

Theo khoản 1 Điều 64 Luật Trồng trọt 2018, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

2. Các nhiệm vụ trong công tác quản lý mã số vùng trồng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn 1776/BNN-BVTV năm 2023 về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.

Theo đó, trong thời gian hoàn tất các hướng dẫn theo Điều 64 Luật Trồng trọt 2018 và để góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị thực hiện các nội dung sau như sau:

(1) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố:

- Giao nhiệm vụ và chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại địa phương (sau đây gọi là chung là cơ quan chuyên môn địa phương):

+ Thực hiện và chịu trách nhiệm toàn bộ việc thiết lập, kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số và bảo đảm duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp.

Toàn bộ các thông tin về diện tích, sản lượng, sự đồng thuận các hộ nông dân tham gia vào vùng trồng cũng như các điều kiện kỹ thuật khác phải được các cơ quan chuyên môn địa phương kiểm tra, xem xét đầy đủ trước khi gửi báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật.

Cơ quan chuyên môn địa phương lưu trữ và chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp của hồ sơ.

+ Trường hợp xuất khẩu, các địa phương rà soát các mã số đã cấp, đối chiếu với quy định của nước nhập khẩu và tập hợp danh sách báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật để gửi nước nhập khẩu để được nước nhập khẩu phê duyệt hoặc cấp mã số. Nước nhập khẩu có thể tiến hành kiểm tra trực tiếp hoặc trực tuyến trước khi phê duyệt và cấp mã số cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói này.

+ Giải quyết ngay các hồ sơ đề nghị của chủ sở hữu hoặc người đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở tuân thủ đúng quy định, minh bạch, trách nhiệm. Trong trường hợp chưa đạt yêu cầu, phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, tránh để người dân, doanh nghiệp đi lại nhiều lần.

+ Thực hiện giám sát định kỳ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số theo đúng hướng dẫn và quy định của nước nhập khẩu, đảm bảo các vùng trồng, cơ sở đóng gói này luôn luôn duy trì được tình trạng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Tần suất giám sát là tối thiểu một lần/năm, đối với vùng trồng thì thực hiện giám sát trước vụ thu hoạch. Báo cáo kết quả giám sát hàng quý về Cục Bảo vệ thực vật.

+ Thực hiện thu hồi mã số đã cấp với các vùng trồng, cơ sở đóng gói không đáp ứng quy định của nước nhập khẩu hoặc theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc phát hiện vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm nhiều lần hoặc phát hiện gian lận, tranh chấp trong sử dụng mã số.

+ Cập nhật đầy đủ thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng phần mềm Nhật ký đồng ruộng, phần mềm Quản lý cơ sở đóng gói để cập nhật đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

- Chủ động quy hoạch, thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số, thúc đẩy và kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên.

+ Bố trí nguồn lực để thực hiện tốt công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể của địa phương để chủ động tổ chức thực hiện, giao cơ quan chuyên ngành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp tỉnh là cơ quan đầu mối triển khai.

+ Tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu.

+ Chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cấp, quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh, thành phố. Báo cáo ngay về Cục Bảo vệ thực vật trong trường hợp phát hiện các trường hợp vi phạm, gian lận về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

+ Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật trong việc giải quyết các trường hợp không tuân thủ theo thông báo của nước nhập khẩu; thực hiện kiểm tra thực tế (trực tiếp hoặc trực tuyến) định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

(2) Cục Bảo vệ thực vật:

- Cung cấp các thông tin về quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm để các địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu biết và chủ động thực hiện các quy định này.

- Tổng hợp danh sách các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đề nghị từ các địa phương, thực hiện đàm phán để được nước nhập khẩu phê duyệt, cấp mã số.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,428

Bài viết về

lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]