Tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
14/02/2023 09:00 AM

Xin cho tôi hỏi cá nhân phải đáp ứng các tiêu chuẩn như thế nào để trở thành hòa giải viên thương mại? - Huy Hải (Tiền Giang)

Tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại mới nhất

Tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại mới nhất

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hòa giải viên thương mại là gì?

Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 22/2017/NĐ-CP, hòa giải viên thương mại bao gồm hòa giải viên thương mại vụ việc và hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại được các bên lựa chọn hoặc được tổ chức hòa giải thương mại chỉ định theo đề nghị của các bên để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp theo quy định Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

2. Tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại mới nhất

Người có đủ tiêu chuẩn được quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 22/2017/NĐ-CP thi được làm hòa giải viên thương mại, cụ thể như sau:

- Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan;

- Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên;

- Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan.

* Lưu ý: Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì không được làm hòa giải viên thương mại. (Khoản 4 Điều 7 Nghị định 22/2017/NĐ-CP)

3. Quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên thương mại

3.1. Quyền của hòa giải viên thương mại

Cụ thể tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP, hòa giải viên thương mại có các quyền sau đây:

- Chấp nhận hoặc từ chối thực hiện hoạt động hòa giải thương mại;

- Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến vụ tranh chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật;

- Được hưởng thù lao từ việc thực hiện hoạt động hòa giải thương mại theo thỏa thuận với các bên tranh chấp;

- Các quyền khác theo quy định Nghị định 22/2017/NĐ-CP và của pháp luật có liên quan.

3.2. Nghĩa vụ của hòa giải viên thương mại

Hòa giải viên thương mại có các nghĩa vụ sau đây:

- Tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại; độc lập, vô tư, khách quan, trung thực;

- Tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội;

- Bảo vệ bí mật thông tin về vụ tranh chấp mà mình tham gia hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật;

- Thông báo cho các bên về thẩm quyền, thù lao và chi phí trước khi tiến hành hòa giải;

- Không được đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện hay tư vấn cho một trong các bên, không được đồng thời là trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan.

(Khoản 2 Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP)

4. Các hành vi bị cấm đối với hòa giải viên thương mại

Theo Điều 10 Nghị định 22/2017/NĐ-CP, hòa giải viên thương mại bị cấm thực hiện các hành vi sau đây:

- Tiết lộ thông tin về vụ việc, khách hàng mà mình biết được trong quá trình hòa giải, trừ trường hợp được các bên tranh chấp đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

- Vi phạm quy tắc đạo đức hòa giải viên thương mại.

- Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ các bên ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận.

- Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,122

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn