Hương ước là gì? Quy định về nội dung hương ước, quy ước

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
04/11/2022 17:45 PM

Xin hỏi ở làng xã thường đưa ra các hương ước, quy ước. Vậy hương ước là gì và nội dung được quy định thế nào? – Văn Thanh (Hà Nam).

Hương ước là gì? Quy định về nội dung hương ước, quy ước

Hương ước là gì? Quy định về nội dung hương ước, quy ước (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Hương ước là gì? Quy ước là gì?

Hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định tại Quyết định 22/2018/QĐ-TTg.

Phạm vi nội dung, hình thức của hương ước, quy ước

Theo Quyết định 22/2018/QĐ-TTg, phạm vi nội dung, hình thức của hương ước, quy ước được quy định như sau:

- Nội dung của hương ước, quy ước do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố quyết định, bao gồm một hoặc một số lĩnh vực của đời sống xã hội mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nguyên tắc; ghi nhận các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; phù hợp với yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư và mục đích, nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Quyết định 22/2018/QĐ-TTg.

- Hương ước, quy ước được thể hiện dưới hình thức văn bản, có chữ ký xác nhận của Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố. Hương ước, quy ước sau khi được công nhận có đóng dấu giáp lai của UBND cấp huyện.

- Ngôn ngữ trong hương ước, quy ước là tiếng Việt, được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với cộng đồng dân cư.

Đối với thôn, tổ dân phố có nhiều dân tộc cùng sinh sống và sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau thì cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố xem xét, quyết định việc dịch hương ước, quy ước sang tiếng dân tộc thiểu số để bảo đảm huy động đông đảo người dân tham gia ý kiến, biểu quyết thông qua dự thảo hương ước, quy ước và thực hiện sau khi được công nhận.

- Việc lựa chọn tên gọi “Hương ước” hoặc “Quy ước” do cộng đồng dân cư thống nhất, quyết định.

Không được đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền trong hương ước

Nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước theo Quyết định 22/2018/QĐ-TTg như sau:

- Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư.

- Bảo đảm tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân; dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư.

- Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư.

- Không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới.

- Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất.

Khi nào bãi bỏ hương ước, quy ước?

Theo Quyết định 22/2018/QĐ-TTg quy định hương ước, quy ước bị bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Bị tạm ngừng thực hiện theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 15 của Quyết định 22/2018/QĐ-TTg nhưng đã hết thời hạn quy định trong quyết định tạm ngừng thực hiện mà thôn, tổ dân phố không tiến hành sửa đổi, bổ sung, thay thế;

(2) Đã được công nhận nhưng không bảo đảm điều kiện thông qua theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Quyết định 22/2018/QĐ-TTg.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn quy định tại quyết định tạm ngừng thực hiện đối với hương ước, quy ước thuộc trường hợp quy định tại khoản (1) hoặc kể từ ngày có căn cứ hương ước, quy ước thuộc trường hợp quy định tại khoản (2), cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý hương ước, quy ước vi phạm xem xét, ra quyết định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung hương ước, quy ước.

Việc bãi bỏ làm chấm dứt giá trị thi hành của hương ước, quy ước kể từ ngày Quyết định bãi bỏ có hiệu lực pháp luật.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 21,214

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn