Kho bạc Nhà nước là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn của Kho bạc Nhà nước

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
02/11/2022 16:30 PM

Cho tôi hỏi đối với Kho bạc Nhà nước sẽ có những nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào? - Mỹ Khôi (Bến Tre)

Kho bạc Nhà nước là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn của Kho bạc Nhà nước

Kho bạc Nhà nước là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn của Kho bạc Nhà nước

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Kho bạc Nhà nước là gì?

Theo Điều 1 Quyết định 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 thì Kho bạc Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước; 

Quản lý ngân quỹ nhà nước; tổng kế toán nhà nước; thực hiện việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước có tư cách pháp nhân, con dấu có hình Quốc huy, được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật, có trụ sở tại thành phố Hà Nội.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Kho bạc Nhà nước

Nhiệm vụ và quyền hạn của Kho bạc Nhà nước theo Điều 2 Quyết định 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 như sau:

- Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính để:

+ Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 

Dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ đã được phê duyệt và các nghị quyết, dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

+ Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị, chiến lược, quy hoạch, chương trình hành động, đề án, dự án quan trọng thuộc lĩnh vực quản lý của Kho bạc Nhà nước.

- Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định:

+ Dự thảo thông tư và các văn bản khác về lĩnh vực quản lý của Kho bạc Nhà nước;

+ Kế hoạch hoạt động hàng năm của Kho bạc Nhà nước.

- Ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, văn bản quy phạm nội bộ, văn bản cá biệt thuộc phạm vi quản lý của Kho bạc Nhà nước.

- Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án thuộc phạm vi quản lý của Kho bạc Nhà nước sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt.

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực quản lý của Kho bạc Nhà nước.

- Quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quỹ tài chính nhà nước được giao theo quy định của pháp luật:

+ Tập trung và phản ánh đầy đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách nhà nước; tổ chức thực hiện việc thu nộp vào quỹ ngân sách nhà nước các khoản tiền do các tổ chức và cá nhân nộp tại hệ thống Kho bạc Nhà nước; 

Thực hiện hạch toán số thu ngân sách nhà nước cho các cấp ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Kiểm soát, thanh toán, chi trả các khoản chi của ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác được giao theo quy định của pháp luật;

+ Quản lý quỹ ngoại tệ tập trung của ngân sách nhà nước, định kỳ công bố tỷ giá hạch toán phục vụ cho việc hạch toán các khoản thu chi ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ;

+ Quản lý, kiểm soát và thực hiện nhập, xuất các quỹ tài chính nhà nước do Kho bạc Nhà nước quản lý; quản lý các khoản tạm thu, tạm giữ, tịch thu, ký cược, ký quỹ, thế chấp theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Quản lý tài sản quốc gia quý hiếm được giao theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quản lý tiền, tài sản, các loại chứng chỉ có giá của Nhà nước và của các đơn vị, cá nhân gửi tại Kho bạc Nhà nước.

- Được trích tài khoản của tổ chức, cá nhân mở tại Kho bạc Nhà nước để nộp ngân sách nhà nước hoặc áp dụng các biện pháp hành chính khác để thu cho ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; từ chối thanh toán, chi trả các khoản chi không đúng, không đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức thực hiện kế toán ngân sách nhà nước:

+ Tổ chức hạch toán kế toán ngân sách nhà nước, các quỹ và tài sản của Nhà nước được giao quản lý, các khoản viện trợ, vay nợ, trả nợ của Chính phủ và chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật;

+ Báo cáo tình hình thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước cho cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định của pháp luật;

+ Tổng hợp, lập quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức thực hiện tổng kế toán nhà nước:

+ Tiếp nhận thông tin báo cáo tài chính của các đơn vị kế toán thuộc khu vực nhà nước theo quy định của pháp luật;

+ Tổng hợp thông tin tài chính nhà nước về tình hình tài sản nhà nước; nguồn vốn và nợ phải trả của Nhà nước; tình hình hoạt động, kết quả thu, chi ngân sách nhà nước; vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và các tài sản, nguồn lực, nghĩa vụ khác của Nhà nước;

+ Lập báo cáo tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức thực hiện công tác thống kê kho bạc nhà nước và chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống:

+ Mở tài khoản, kiểm soát tài khoản tiền gửi và thực hiện thanh toán bằng tiền mặt, chuyển khoản đối với tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với Kho bạc Nhà nước;

+ Mở tài khoản tiền gửi hoặc tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để thực hiện các nghiệp vụ thu, chi, thanh toán của Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật;

+ Được sử dụng ngân quỹ nhà nước để tạm ứng cho ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

+ Xây dựng và phát triển hệ thống các công cụ, nghiệp vụ quản lý hiện đại theo nguyên tắc đảm bảo an toàn và hiệu quả ngân quỹ nhà nước.

- Tổ chức huy động vốn cho ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ.

- Tổ chức quản trị và vận hành hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc.

- Thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, kiểm toán nội bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi quản lý nhà nước của Kho bạc Nhà nước; 

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng tài sản, kinh phí được giao theo quy định của pháp luật.

- Hiện đại hóa hoạt động Kho bạc Nhà nước:

+ Xây dựng cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam;

+ Tổ chức quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hóa cơ sở vật chất của hệ thống Kho bạc Nhà nước.

+ Thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế thuộc lĩnh vực kho bạc nhà nước theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính và quy định của pháp luật.

- Thực hiện công tác tổ chức và cán bộ:

+ Xây dựng tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực bảo đảm yêu cầu cải cách về cơ chế, chính sách và hiện đại hóa công nghệ quản lý;

+ Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, thi đua khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Kho bạc Nhà nước theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính và quy định của pháp luật.

- Quản lý kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và tài sản được giao theo quy định của pháp luật; được sử dụng các khoản thu phát sinh trong hoạt động nghiệp vụ theo chế độ quản lý tài chính của Nhà nước.

- Thực hiện cải cách hành chính theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính giao và theo quy định của pháp luật.

3. Cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước

Theo Điều 3 Quyết định 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 quy định Kho bạc Nhà nước được tổ chức thành hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính, bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất như sau:

- Cơ quan Kho bạc Nhà nước ở Trung ương:

(1) Vụ Tổng hợp - Pháp chế;

(2) Vụ Kiểm soát chi;

(3) Vụ Kho quỹ;

(4) Vụ Hợp tác quốc tế;

(5) Vụ Thanh tra - Kiểm tra;

(6) Vụ Tổ chức cán bộ;

(7) Vụ Tài vụ - Quản trị;

(8) Văn phòng;

(9) Cục Kế toán nhà nước;

(10) Cục Quản lý ngân quỹ;

(11) Cục Công nghệ thông tin;

(12) Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước;

(13) Trường Nghiệp vụ Kho bạc;

(14) Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia.

Các tổ chức quy định từ (1) đến (12) là tổ chức hành chính giúp Tổng Giám đốc thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định tại (13) và (14) là tổ chức sự nghiệp.

- Cơ quan Kho bạc Nhà nước ở địa phương:

+ Kho bạc Nhà nước ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh) trực thuộc Kho bạc Nhà nước.

+ Kho bạc Nhà nước ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Kho bạc Nhà nước cấp huyện) trực thuộc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh.

Kho bạc Nhà nước được tổ chức điểm giao dịch tại các địa bàn có khối lượng giao dịch lớn theo quy định của pháp luật.

Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước cấp huyện có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,607

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]