Đồng tiền Việt Nam là gì? Phát hiện tiền giả không báo bị xử lý thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
15/10/2022 13:47 PM

Tôi muốn biết các quy định liên quan đến đồng tiền Việt Nam. Nếu phát hiện tiền giả không báo thì bị xử lý thế nào? - Thu Nga (Đồng Tháp)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đồng tiền Việt Nam là gì?

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tiền được xem là một trong các loại tài sản của công dân.

Khoản 3 Điều 55 Hiến pháp 2013 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng quy định đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam. Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia.

Theo Điều 16 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, đơn vị tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là "Đồng", ký hiệu quốc gia là "đ", ký hiệu quốc tế là "VND", một đồng bằng mười hào, một hào bằng mười xu.

Đồng tiền Việt Nam là gì? Phát hiện tiền giả không báo bị xử lý thế nào?

Đồng tiền Việt Nam là gì? Phát hiện tiền giả không báo bị xử lý thế nào? (Hình từ Internet)

2. Thế nào là tiền mẫu, tiền lưu niệm?

Điều 3 Quyết định 40/2012/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 quy định về tiền mẫu, tiền lưu niệm của NHNN Việt Nam như sau:

- Tiền mẫu là tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành, có đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng như các loại tiền được Ngân hàng Nhà nước công bố lưu hành. 

Tiền mẫu được dùng làm chuẩn để đối chứng trong nghiệp vụ phát hành tiền, được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, bảo tàng, giới thiệu, sưu tập, lưu niệm và không có giá trị làm phương tiện thanh toán trong lưu thông.

- Tiền lưu niệm là đồng tiền tượng trưng không có giá trị làm phương tiện thanh toán, được phát hành cho mục đích sưu tập, lưu niệm.

3. Xử phạt vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam

Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 20 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP) quy định mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam như sau:

- Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tiền giả loại mới;

+ Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả;

+ Bố trí người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả chưa qua tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả hoặc chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tiền;

+ Không giao nộp tiền giả theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ;

+ Phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ;

+ Không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật.

Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 24,072

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn