Người tham gia tố tụng khác trong dân sự gồm những ai?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
13/10/2022 12:00 PM

Tôi đi dự phiên tòa sơ thẩm về dân sự và được báo là thuộc người tham gia tố tụng khác. Xin hỏi người tham gia tố tụng khác là gồm những người nào?

Người tham gia tố tụng khác trong dân sự gồm những ai?

1. Người tham gia tố tụng khác trong tố tụng dân sự là những ai?

Căn cứ theo Mục 2 Chương VI Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người tham gia tố tụng khác gồm:

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự;

-  Người làm chứng;

- Người giám định;

- Người phiên dịch;

- Người đại diện;

2. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

Tại Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau:

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

- Những người sau đây được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:

+ Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư;

+ Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;

+ Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong vụ việc lao động theo quy định của pháp luật về lao động, công đoàn;

+ Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều đương sự trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của những người đó không đối lập nhau.

Nhiều người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể cùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một đương sự trong vụ án.

- Khi đề nghị Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người đề nghị phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

+ Luật sư xuất trình các giấy tờ theo quy định của Luật luật sư;

+ Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc thẻ luật sư;

+ Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động xuất trình văn bản của tổ chức đó cử mình tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, tập thể người lao động;

+ Công dân Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại điểm d khoản 2 Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 xuất trình giấy yêu cầu của đương sự và giấy tờ tùy thân.

- Sau khi kiểm tra giấy tờ và thấy người đề nghị có đủ điều kiện làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, Tòa án phải vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Trường hợp từ chối đăng ký thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị.

3. Người làm chứng

Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng.

Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.

(Điều 77 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

4. Người giám định

Người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần giám định mà Tòa án trưng cầu giám định hoặc được đương sự yêu cầu giám định theo quy định tại Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

(Điều 79 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

5. Người phiên dịch

- Người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch được một bên đương sự lựa chọn hoặc các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án yêu cầu để phiên dịch.

- Người biết chữ của người khuyết tật nhìn hoặc biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật nghe, nói cũng được coi là người phiên dịch.

Trường hợp chỉ có người đại diện hoặc người thân thích của người khuyết tật nhìn hoặc người khuyết tật nghe, nói biết được chữ, ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật thì người đại diện hoặc người thân thích có thể được Tòa án chấp nhận làm người phiên dịch cho người khuyết tật đó.

(Điều 81 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

6. Người đại diện

- Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.

- Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.

- Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm;

Tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền.

Trường hợp nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án.

- Người đại diện theo ủy quyền theo quy định Bộ luật Dân sự 2015 là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.

Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. 

Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.

Xem thêm: Mức phạt khi cản trở thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự

Người tham gia tố tụng gồm những ai?

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,330

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn