Quy định về phân loại rác thải y tế

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
10/08/2022 15:48 PM

Tôi ở gần trạm y tế và nhận thấy tại đây có rất nhiều thùng rác thải y tế nhiều màu, tôi nghĩ mỗi loại sẽ tương ứng với loại rác khác nhau. Vậy hiện hành quy định về phân loại chất thải y tế thế nào? - Ngọc Hoa (Bình Phước)

Quy định về phân loại rác thải y tế (Hình từ Internet)

1. Rác thải y tế, chất thải y tế là gì?

Chất thải y tế là chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế, bao gồm:

- Chất thải y tế nguy hại;

- Chất thải rắn thông thường;

- Khí thải;

- Chất thải lỏng không nguy hại;

- Nước thải y tế.

(Khoản 1 Điều 3 Thông tư 20/2021/TT-BYT)

2. Nguyên tắc phân loại rác thải y tế

- Chất thải y tế phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tai thời điểm phát sinh;

- Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định tại Điều 5 Thông tư 20/2021/TT-BYT

Trường hợp các chất thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa (trừ chất thải lây nhiễm sắc nhọn);

- Trường hợp chất thải lây nhiễm để lẫn với chất thải khác thì hỗn hợp chất thải đó phải thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải lây nhiễm và tiếp tục thực hiện quản lý theo tính chất của chất thải sau xử lý.

(Khoản 1 Điều 6 Thông tư 20/2021/TT-BYT)

3. Vị trí đặt bao bì, dụng cụ phân loại rác thải y tế

- Tại khoa, phòng, bộ phận: bố trí vị trí phù hợp, an toàn để đặt bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa để phân loại chất thải y tế;

- Tại vị trí đặt bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa phải có hướng dẫn cách phân loại và thu gom chất thải.

(Khoản 2 Điều 6 Thông tư 20/2021/TT-BYT)

4. Phân loại rác thải y tế 

4.1. Rác thải y tế lây nhiễm

- Chất thải lây nhiễm sắc nhọn: bỏ vào trong thùng hoặc hộp kháng thủng và có màu vàng;

- Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn: bỏ vào trong thùng có lót túi và có màu vàng;

- Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao: bỏ vào trong thùng có lót túi và có màu vàng;

- Chất thải giải phẫu: bỏ vào trong 2 lần túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng;

- Chất thải lây nhiễm dạng lỏng: chứa trong túi kín hoặc dụng cụ lưu chứa chất lỏng và có nắp đậy kín..

(Khoản 3 Điều 6 Thông tư 20/2021/TT-BYT)

4.2. Phân loại rác thải y tế nguy hại không lây nhiễm

- Chất thải nguy hại phải được phân loại theo mã chất thải nguy hại để lưu giữ trong các bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa phù hợp. Được sử dụng chung bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa đối với các chất thải nguy hại có cùng tính chất, không có khả năng gây phản ứng, tương tác lẫn nhau và có khả năng xử lý bằng cùng một phương pháp;

- Chất thải nguy hại không lây nhiễm ở dạng rắn: đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu đen;

- Chất thải nguy hại không lây nhiễm dạng lỏng: chứa trong dụng cụ lưu chứa chất lỏng có nắp đậy kín, có mã, tên loại chất thải lưu chứa.

(Khoản 4 Điều 6 Thông tư 20/2021/TT-BYT)

4.3. Phân loại rác thải y tế rắn thông thường

- Chất thải rắn thông thường không sử dụng để tái chế: đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu xanh. Chất thải sắc nhọn đựng trong dụng cụ kháng thủng;

- Chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế: đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu trắng.

(Khoản 5 Điều 6 Thông tư 20/2021/TT-BYT)

4.4 Phân loại rác thải y tế lỏng không nguy hại

Chất thải lỏng không nguy hại phải chứa trong dụng cụ đựng chất thải lỏng có nắp đậy kín, có tên loại chất thải lưu chứa.

(Khoản 6 Điều 6 Thông tư 20/2021/TT-BYT)

 Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 40,079

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn