Tải App trên Android

Đình công là gì? Đình công thế nào cho đúng luật?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
28/03/2022 15:20 PM

Khi người lao động không đồng ý với các chính sách lương, thưởng, thời giờ làm việc,... thì thường chọn giải pháp đình công. Vậy người lao động cần lưu ý những gì để đình công đúng luật?

Đình công là gì? Đình công thế nào cho đúng luật? (Ảnh minh họa)

1. Đình công là gì?

Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.

(Điều 198 Bộ luật Lao động 2019)

2. Một số lưu ý để đình công đúng luật

- Trường hợp được quyền đình công:

Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành đúng thủ tục để đình công trong trường hợp sau đây:

+ Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;

+ Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

- Phải do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.

- Tuân thủ đúng trình tự, thủ tục tiến hành đình công. Trình tự đình công được quy định như sau:

+ Lấy ý kiến về đình công theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Lao động 2019.

+ Ra quyết định đình công và thông báo đình công theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Lao động 2019.

+ Tiến hành đình công.

- Tranh chấp lao động tập thể chưa được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.

- Không được đình công ở nơi sử dụng lao động mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.

- Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền thì không được tiếp tục đình công.

(Điều 199, 200, 204 Bộ luật Lao động 2019)

3. Tiền lương của người lao động trong thời gian đình công

- Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 99 của Bộ luật Lao động 2019 và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.

- Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

(Điều 207 Bộ luật Lao động 2019)

>>> Xem thêm: Quyền lợi của người lao động trong thời gian đình công được quy định như thế nào? Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong, trước và sau đình công?

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 49,657

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]