Giấy tờ tùy thân là gì, gồm những loại giấy tờ nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
15/02/2022 17:02 PM

Khi ra đường, hoặc tham gia các hoạt động, giao dịch thông thường, người dân thường được yêu cầu phải mang theo, xuất trình giấy tờ tùy thân. Vậy giấy tờ tùy thân là gì? Gồm những loại giấy tờ nào? THƯ VIỆN PHÁP LUẬT sẽ giải đáp thắc mắc này như sau:

Giấy tờ tùy thân là gì, gồm những loại giấy tờ nào?

Giấy tờ tùy thân là gì, gồm những loại giấy tờ nào? (ảnh minh họa)

1. Giấy tờ tùy thân là gì?

Mặc dù “giấy tờ tùy thân” được sử dụng phổ biến hiện nay, nhưng chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa cụ thể giấy tờ tùy thân là gì. Tuy nhiên, một số văn bản quy định cụ thể một số loại giấy tờ là giấy tờ tùy thân chứ không liệt kê giấy tờ tùy thân bao gồm những gì, cụ thể:

- Theo Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

- Khoản 1 Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 có quy định thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

- Theo tinh thần của Nghị định 136/2007/NĐ-CP trước đây quy định Hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế Chứng minh nhân dân hay Luật Căn cước công dân quy định thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam.

- Ngoài ra, nhiều văn bản luật cũng đề cập đến giấy tờ tùy thân trong thành phần hồ sơ của đương sự như Luật Công chứng (điều 40), Bộ luật Lao động (điều 17), Luật Xử phạt vi phạm hành chính (điều 130). Tuy nhiên, tùy trường hợp mà giấy tờ tùy thân bao gồm các loại giấy tờ khác nhau.

Ví dụ: đối với Luật Công chứng thì giấy tờ tùy thân được hiểu theo nghĩa như giấy tờ cá nhân, gồm: Chứng minh nhân dân, kết hôn, khai sinh, sổ hộ khẩu…

Như vậy, có thể hiểu giấy tờ tùy thân là những giấy tờ có giá trị xác định đặc điểm nhận dạng và nhân thân của một người. Nhưng hiện nay chỉ có Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu là được xác định cụ thể là giấy tờ tùy thân.

2. Một số giấy tờ có giá trị thay thế

Vì sự không thống nhất về khái niệm và cách hiểu về giấy tờ tùy thân nên mỗi lĩnh vực áp dụng những loại giấy tờ tùy thân khác nhau. Trong nhiều trường hợp, một số loại giấy tờ có thể thay thế Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu như một loại giấy tờ tùy thân phù hợp cho trường hợp đó.

Cụ thể, theo Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định, người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ sau để chứng minh về nhân thân:

- Hộ chiếu;

- Chứng minh nhân dân;

- Thẻ Căn cước công dân;

- Giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.

Theo đó, một số giấy tờ có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp cũng được xác định là giấy tờ tùy thân như: Giấy phép lái xe, thẻ Đại biểu Quốc hội, thẻ Đảng viên…

Ngoài ra, trong lĩnh vực hàng không, hành khách mang quốc tịch Việt Nam khi bay các chuyến nội địa có thể xuất trình một trong các loại giấy tờ sau để thay thế Chứng minh nhân dân, đơn cử như:

+ Giấy phép lái xe;

+ Giấy chứng minh của các lực lượng vũ trang;

+ Thẻ Đảng viên;

+ Thẻ Nhà báo…

Như vậy, tùy theo từng trường hợp và từng lĩnh vực mà giấy tờ tùy thân có thể là các loại giấy tờ khác, nhưng 03 loại giấy tờ tùy thân chung nhất vẫn là: Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân.

>>> Xem thêm: Đi thăm người bị tạm giam không mang theo giấy tờ tùy thân có được không?

Khi vi phạm không đeo khẩu trang có bị giữ lại các giấy tờ tùy thân hay không? Pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này?

Phí sao y giấy tờ tùy thân ở văn phòng công chứng là bao nhiêu? Trường hợp nào thì giấy tờ không chứng thực bản sao được?

 

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 121,185

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn