Đội bóng đá nữ Việt Nam vô địch Seagames 32, sẽ được thưởng bao nhiêu?

16/05/2023 11:20 AM

Tối qua (ngày 15/5/2023), đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã vô địch Seagames 32, vậy họ sẽ được thưởng bao nhiêu tiền? – Ngọc Châu (Tây Ninh).

Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu (THƯ VIỆN PHÁP LUẬT) tư vấn như sau:

1. Tiền thưởng của cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vô địch Seagames 32

Căn cứ khoản 1 và khoản 4 Điều 8 Nghị định 152/2018/NĐ-CP, trường hợp cá nhân vô địch (đạt huy chương vàng) Seagames 32 sẽ được thưởng 45 triệu đồng/cá nhân. Đối với các môn thể thao có nội dung thi đấu tập thể (như là: bóng đá nữ, bóng đá nam, bóng chuyền nữ, bóng chuyền nam…) được hưởng mức thưởng bằng số lượng người được thưởng theo quy định của điều lệ giải nhân với 45 triệu đồng.

Ngoài mức thưởng nêu trên, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam còn được thưởng nóng theo quy định của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF); cá nhân, tổ chức khác tặng thưởng (nếu có)…

bóng đá nữ Việt Nam

Đội bóng đá nữ Việt Nam vô địch Seagames 32 (Nguồn từ Internet)

2. Quy định về tiền thưởng của huấn luyện viên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vô địch Seagames 32

Căn cứ điểm b, điểm c khoản 5 Điều 8 Nghị định 152/2018/NĐ-CP, huấn luyện viên trực tiếp đào tạo đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vô địch Seagames 32 thì được hưởng mức thưởng 45 triệu đồng nhân với số lượng huấn luyện viên (theo quy định là 05 huấn luyện viên).

Tỷ lệ phân chia tiền thưởng đối với các huấn luyện viên được thực hiện theo nguyên tắc: Huấn luyện viên trực tiếp huấn luyện đội tuyển được hưởng 60%, huấn luyện viên trực tiếp đào tạo vận động viên ở cơ sở trước khi tham gia đội tuyển được hưởng 40%.

3. Kinh phí thực hiện thưởng cho cầu thủ, huấn luyện viên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vô địch Seagames 32

Căn cứ Điều 9 Nghị định 152/2018/NĐ-CP, kinh phí chi trả cho các chế độ nêu trên được bố trí trong dự toán ngân sách thể dục, thể thao hàng năm theo chế độ hiện hành của Nhà nước về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

Điều 6. Chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu - Nghị định 152/2018/NĐ-CP

1. Huấn luyện viên, vận động viên bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu được hưởng các chế độ sau:

a) Được cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên kịp thời sơ cứu, cấp cứu và tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu, điều trị;

b) Được cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định, gồm: thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không có trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế; trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên giới thiệu đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa; thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với huấn luyện viên, vận động viên không tham gia bảo hiểm y tế;

c) Được cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên trả đủ tiền lương, tiền hỗ trợ theo quy định tại Điều 3 Nghị định này khi phải nghỉ tập huấn, thi đấu trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

d) Được cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên bồi thường hoặc trợ cấp và giới thiệu giám định y khoa theo quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 38, Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 2 Nghị định này; được cơ quan sử dụng vận động viên hỗ trợ 01 lần bằng tiền bằng với mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên bị tai nạn lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 33 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị định này bị tai nạn lao động;

đ) Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn, vệ sinh lao động như đối với lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

2. Huấn luyện viên, vận động viên không được hưởng chế độ từ cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên hoặc cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên nếu bị tai nạn lao động thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

3. Huấn luyện viên, vận động viên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc bị chết trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động khi tập huấn, thi đấu thì người lo mai táng được hưởng trợ cấp một lần bằng mười lần mức lương cơ sở và thân nhân của huấn luyện viên, vận động viên được hưởng hỗ trợ một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng mà huấn luyện viên, vận động viên bị chết do cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên chi trả.

4. Cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm trong việc khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động theo quy định tại Chương III Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,130

Bài viết về

lĩnh vực Thể thao

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn