LS Nguyễn Văn Hậu: Tài xế gây ùn tắc ở BOT Cai Lậy có thể bị phạt đến 1,2 triệu đồng

06/12/2017 09:23 AM

Liên quan đến thắc mắc của bạn đọc Trần Quang Minh về việc CSGT có quyền thu giấy tờ và cẩu xe đi để giải phóng tuyến đường không? - Luật sư Nguyễn Văn Hậu_Phó chủ nhiệm Hội Luật gia TP.HCM cũng đã có những chia sẻ về vấn đề tại BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

>> Tôi xin hỏi LS Nguyễn Văn Hậu và LS Nguyễn Kiều Hưng
>> Nếu BOT Cai Lậy không xả trạm thì điều gì sẽ xảy ra?

Sau đây, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT  xin phép đăng toàn văn nội dung chia sẻ của Luật sư:

Việc nhận lại tiền thối trong giao dịch dân sự là quyền dân sự được pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo thực hiện, tuy nhiên, khi  thực hiện quyền này thì chủ thể thực hiện phải đảm bảo không xâm phạm đến lợi ích cộng đồng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; điều này là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, cá nhân được thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nhưng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật. Đây là giới hạn pháp luật đặt ra đối với việc thực hiện quyền dân sự.

Trên cơ sở đó, việc các tài xế đòi nhận lại tiền thối tại trạm BOT Cai Lậy là quyền pháp luật cho phép và đảm bảo thực hiện, tuy nhiên cách thức các tài xế này thực hiện thì hoàn toàn trái quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy, tài xế đã dừng xe ở trạm khá lâu để đòi tiền thối mặc dù CSGT đã nhiều lần đề nghị di chuyển xe vào trong làn riêng để giải quyết về vấn đề này nhưng các tài xế đã không hợp tác. Điều này đã trực tiếp gây cản trở nghiêm trọng giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A, làm ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người người, cụ thể là những người tham gia giao thông ở phía sau, họ sẽ không lưu thông được nếu xe cứ dừng lại. Qua đó, có thể nhận thấy, việc thực hiện quyền trên của tài xế đã ảnh hưởng đến cộng đồng, đến người khác. Đây là hành vi vi phạm những điều pháp luật nghiêm cấm, trái với nguyên tắc cơ bản đã được pháp luật quy định, lợi ích của cá nhân không được đứng trên lợi ích của cộng đồng và tập thể.

Theo qui định Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người thực hiện hành vi dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Ngoài ra, nếu hành vi trên dẫn đến việc gây tai nạn giao thông thì người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Phó chủ nhiệm Hội Luật gia TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,982

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn